Lực lượng gìn giữ hòa bình phải khác hội Chữ thập đỏ!

Trong tuần qua, Lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hiệp quốc (LHQ) đã đẩy lùi một nhóm phiến quân, bảo vệ người dân ở Cộng hòa Congo. Điều này đã đánh dấu cột mốc mới quan trọng của Lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ vì đây là lần đầu tiên họ không chỉ giữ gìn hòa bình mà còn tham gia vào việc đẩy lùi các lực lượng gây đổ máu chống nhân loại. LHQ tuyên bố lực lượng giữ gìn hòa bình 3.000 quân của LHQ ở Cộng hòa Congo do Brazil đứng đầu bao gồm các nước Tanzania, Nam Phi và Malawi đã vô hiệu hóa hoạt động của phiến quân M23 tại nhiều vị trí quan trọng ở Cộng hòa Congo.

Trong tuần qua, Lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hiệp quốc (LHQ) đã đẩy lùi một nhóm phiến quân, bảo vệ người dân ở Cộng hòa Congo. Điều này đã đánh dấu cột mốc mới quan trọng của Lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ vì đây là lần đầu tiên họ không chỉ giữ gìn hòa bình mà còn tham gia vào việc đẩy lùi các lực lượng gây đổ máu chống nhân loại. LHQ tuyên bố lực lượng giữ gìn hòa bình 3.000 quân của LHQ ở Cộng hòa Congo do Brazil đứng đầu bao gồm các nước Tanzania, Nam Phi và Malawi đã vô hiệu hóa hoạt động của phiến quân M23 tại nhiều vị trí quan trọng ở Cộng hòa Congo.

Cuộc tấn công dẹp quân phiến loạn tại Congo đã được Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cho phép hồi tháng 3. Nhưng Lữ đoàn can thiệp quân sự của LHQ chỉ bắt đầu chiến đấu từ tháng 8 cùng với quân đội Congo chống lại lực lượng nổi dậy được gọi là M23. Nhóm khủng bố này đã hoành hành phần phía Đông của nước láng giềng Trung Phi, thậm chí đã chiếm giữ thành phố Goma với hàng triệu cư dân vào năm 2012 . Trong quá khứ, khi LHQ khi muốn thực thi hòa bình ở một quốc gia nào đó đang có chiến tranh để thực hiện các chiến dịch nhân đạo, cơ quan này phải nhờ quân đội từ các quốc gia thành viên chứ không dựa vào bộ phận giữ gìn giữ hòa bình của mình. Chẳng hạn LHQ từng giao cho lực lượng của Liên minh châu Phi nhiệm vụ bảo vệ thường dân tại Somalia. Chiến dịch quân sự của lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ tại Cộng hòa Congo mở ra thời kỳ mới theo đó LHQ có cơ sở pháp lý trong việc can thiệp vào một cuộc xung đột tại một đất nước khi chính phủ nước đó không có khả năng bảo vệ người dân của mình.

Kể từ nạn diệt chủng năm 1993 ở Rwanda khi lực lượng mũ nồi xanh có mặt ở đó nhưng không thể làm gì cho tới nay, cộng đồng thế giới đã dần dần chuyển hướng tới một sự đồng thuận về khả năng lực lượng này can thiệp quân sự để bảo vệ những người vô tội. Nhưng để có được một sự đồng thuận tại HĐBA LHQ về vấn đề can thiệp quân sự của lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ không hề đơn giản, nó còn phải được đa số 15 nước thành viên tán đồng và không có thành viên thường trực nào phủ quyết. Họ phải cân nhắc kỹ giữa một bên là chủ quyền quốc gia của các nước và một bên là bảo vệ thường dân vô tội. Tuy nhiên sự thành công bước đầu của lực lượng này tại Cộng hòa Congo có thể thúc đẩy LHQ mạnh tay hơn khi tham gia chống lại tổ chức Al Shabab đang hoành hành tại Somalia và nhiều nước phía Đông châu Phi. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon vào trung tuần tháng 10 đã yêu cầu HĐBA LHQ cho phép lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ đáp trả mạnh mẽ những hoạt động khủng bố của nhóm Al Shabab.

Ý tưởng của LHQ đích thân tham gia vào chiến đấu từ lâu đã bị nhiều thành viên LHQ phản đối. Nhưng như nhiều tội ác với nhân loại đã xảy ra đã thúc đẩy những người có lương tâm cảm thấy cần phải có hành động quốc tế cụ thể trong việc ngăn chặn tội ác với nhân loại. Đã đến lúc thế giới nhận thức lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ phải thực sự gìn giữ hòa bình chứ không phải làm nhiệm vụ của tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế, chỉ can thiệp khi mọi chuyện đã rồi và họ chỉ còn lo cứu trợ và giải quyết hồi hương… Bên cạnh đó, việc LHQ đứng ra đảm bảo hòa bình sẽ phù hợp hơn một cường quốc nào đó núp bóng danh nghĩa bảo vệ nhân quyền để can thiệp vào vấn đề nội bộ của một quốc gia nhằm trục lợi.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục