Lùm xùm ở Công ty cổ phần phim Giải Phóng: Trách nhiệm của ông Nguyễn Thái Hòa

Thời gian làm việc tại Hãng phim Giải Phóng, ông Thái Hòa quan hệ bất chính với cô Nguyễn Như Ngọc Quyên. Vợ của ông Nguyễn Thái Hòa là bà Nguyễn Kim Ngọc đã đến tận hãng phim đánh ghen và viết đơn khiếu nại, tố cáo.
Sau khi bài viết “Công ty CP phim Giải Phóng: Kiện tụng và nợ nần” đăng trên Báo SGGP ngày 8-10-2017, ông Nguyễn Thái Hòa - nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên, kiêm Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng (nay là Công ty CP phim Giải Phóng), gửi đến Báo SGGP “Đơn khiếu nại”, cho rằng bài viết không đúng sự thật. Bài viết này nhằm làm rõ những vấn đề mà ông Nguyễn Thái Hòa thắc mắc...
Những khoản thu - chi và khuất tất chưa có lời giải
Phải nói ngay, những con số và toàn bộ thông tin về tình hình hoạt động đưa ra trong bài viết trước đó đều do lãnh đạo Công ty CP phim Giải Phóng cung cấp.
Đó là số nợ hơn 23 tỷ đồng và khi ban lãnh đạo mới tiếp quản, trong két sắt chỉ còn khoảng 90 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền thu về trong hai năm 2013, 2015 rất lớn. Thu 29 tỷ đồng tiền bồi thường của Công ty Bắc - Nam 79 cho mặt bằng 15 Thi Sách, hơn 16 tỷ đồng Nhà nước tài trợ cho bộ phim Đường xuyên rừng, hơn 16 tỷ đồng Nhà nước tài trợ phim Mỹ nhân và 46 tỷ đồng bộ phim Cao hơn bầu trời (dài 50 tập, trong đó ngân sách nhà nước cấp hơn 38 tỷ đồng, phần còn lại xã hội hóa).
Tất cả con số này đều được lãnh đạo Công ty CP phim Giải Phóng cung cấp theo các báo cáo số liệu giữa công ty và Bộ VH-TT-DL. 
Lùm xùm ở Công ty cổ phần phim Giải Phóng: Trách nhiệm của ông Nguyễn Thái Hòa ảnh 1 Cao hơn bầu trời, bộ phim được làm từ thời ông Thái Hòa, gây thất thoát của Nhà nước nhiều tỷ đồng
Chính trong đơn khiếu nại của mình, ông nguyễn Thái Hòa cũng nhìn nhận: “Cân đối tài chính đến ngày 31-3-2015 (ngày ông Thái Hòa chính thức về hưu - phóng viên), nợ phải trả là 23,6 tỷ đồng, số nợ phải thu là 19,5 tỷ đồng”.
Có nghĩa, ông cũng thừa nhận, con số thiếu hụt 4 tỷ đồng mà Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng (còn gọi là Hãng phim Giải Phóng) phải gánh khi ông về hưu. Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phim Giải Phóng: “Trong số hơn 19 tỷ đồng phải thu về, ngoại trừ số tiền Nhà nước còn thiếu lại của 3 phim Đường xuyên rừng, Mỹ nhân, Cao hơn bầu trời, chắc chắn công ty sẽ thu hồi được khi phim nghiệm thu, quyết toán xong; nhưng còn một số khoản nợ không bao giờ đòi được do các đơn vị thiếu công ty đã giải thể. Trong khi đó, 23 tỷ đồng mà công ty nợ các đơn vị, thì phải trả đủ 100%. Chúng tôi phải tìm ngân sách ở đâu để bù vào những khoản thiếu hụt này?”.
Thời ông Nguyễn Thái Hòa đương nhiệm, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo ông về những hành vi sai phạm trong việc không minh bạch về tài chính, nhận con cháu không có chuyên môn vào làm việc, biến công ty 100% vốn nhà nước thành công ty gia đình.
Có những khoản chi vô lý, mà cụ thể nhất là trong bộ phim Cao hơn bầu trời - chi hơn 2 tỷ đồng cho Công ty Dễ Liên Kết để thực hiện vẽ kỹ xảo 3D, trong khi công ty này chưa vẽ một file hình nào; chi hơn 500 triệu đồng thuê máy móc thiết bị quay phim, trong khi đoàn phim sử dụng hoàn toàn các thiết bị của Hãng phim Giải Phóng (thời gian đó, hãng phim vốn là một trong những đơn vị chuyên cho thuê thiết bị máy móc phục vụ các đoàn phim - phóng viên). Bổ nhiệm con trai Nguyễn Thái Long làm Phó Giám đốc chi nhánh Hãng phim Giải Phóng 15 Thi Sách, giao cho anh trai là Nguyễn Văn Thu và cháu trai là Trần Quang Cường cùng làm chủ nhiệm phim Cao hơn bầu trời. 6 tập quay đầu tiên của phim này (trên dưới 2 tỷ đồng) do nghệ sĩ Xuân Cường làm đạo diễn, đã không sử dụng được phải bỏ… 
Trong một đơn báo cáo và kiến nghị của một thành viên thuộc Hội đồng Thành viên Hãng phim Giải Phóng nêu cụ thể sự thiếu trung thực và những sai phạm về quản lý tài chính của ông Nguyễn Thái Hòa, khi báo cáo tài chính tại đại hội công nhân viên chức hàng năm luôn là lãi, nhưng trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp đã qua kiểm toán, cho thấy toàn lỗ và trong tình trạng lỗ năm sau gấp đôi năm trước!
Vi phạm đạo đức, lối sống
Thời gian làm việc tại Hãng phim Giải Phóng, ông Thái Hòa lại quan hệ với cô Nguyễn Như Ngọc Quyên. Ông Hòa thành lập Trung tâm Tiếp thị quảng cáo và phát hành (sau này đổi tên là Trung tâm Dịch vụ quảng cáo và phát hành) và đưa cô Quyên lên làm giám đốc.
Vợ của ông Nguyễn Thái Hòa là bà Nguyễn Kim Ngọc đã đến tận hãng phim đánh ghen và viết đơn khiếu nại, tố cáo mối quan hệ bất chính này, gửi lên hãng phim và văn phòng Bộ VH-TT-DL.
Hiện nay, ông Nguyễn Thái Hòa đang chung sống với cô Quyên và có một con chung 5 tuổi.
Sau khi ông Nguyễn Thái Hòa về hưu, ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết: “Trước những khó khăn về tài chính mà công ty đang gặp phải, trong khi Trung tâm Dịch vụ quảng cáo và phát hành làm việc không hiệu quả, công ty đã đề xuất lên Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VH-TT-DL và được vụ đồng ý giải thể trung tâm này. Bà Quyên được điều động làm công việc khác, nhưng bà Quyên không chấp hành, tự ý nghỉ việc. Ngày 15-9-2017, công ty đã có quyết định sa thải, buộc thôi việc bà Nguyễn Như Ngọc Quyên vì những sai phạm tự ý nghỉ việc, vi phạm thỏa ước lao động tập thể”.
Trong lá đơn khiếu nại gửi Báo SGGP, ông Nguyễn Thái Hòa có nhắc đến 13 năm tiền nhiệm, ông đã “đưa Hãng phim Giải Phóng thoát khỏi khó khăn, sau đó liên tiếp sản xuất và phát hành đạt doanh thu cao với các phim Lấy vợ Sài Gòn, Chuông reo là bắn…”, nhưng anh em trong Công ty CP phim Giải Phóng cho biết, từ doanh thu thắng lớn của phim Gái nhảy (bộ phim được làm từ thời giám đốc Ngọc Quang), giám đốc kế vị là NSƯT, đạo diễn Lê Đức Tiến đã mua 4 xe hơi bổ sung vào tài sản của hãng phim và 4 chiếc xe này vẫn đang được sử dụng cho đến hôm nay.
Năm 2009, một số cán bộ, công nhân viên, văn nghệ sĩ của hãng phim đã làm đơn kiến nghị gửi lên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Hãng phim Giải Phóng về 5 điểm sai phạm của ông Nguyễn Thái Hòa, trong đó có việc hợp tác với Hãng phim Thanh Niên sản xuất phim Thủ tướng.
Trong đơn nêu rõ: “Dù đã được cơ quan quản lý cấp trên yêu cầu ngưng làm phim này, nhưng ông Thái Hòa vẫn chống lại và hoàn thành bộ phim. Cuối cùng, phim không được duyệt đã gây thiệt hại về uy tín của Hãng phim Giải Phóng, hãng mất hơn 2 tỷ đồng vốn lưu động và khấu hao máy móc, thiết bị phương tiện…”.
Cán bộ công nhân viên và nghệ sĩ trong hãng phim đều cho rằng, vì cùng lúc nắm giữ 3 vị trí lãnh đạo chủ chốt: Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Bí thư Đảng ủy nên ông Thái Hòa đã chuyên quyền trong suốt thời gian làm lãnh đạo hãng.
Trong đơn khiếu nại, ông Thái Hòa cũng cho rằng, ông đã có công đóng góp để Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang do Chủ tịch nước trao tặng năm 2013, nhưng thực tế trên Bằng và Cờ Nhà nước trao tặng ghi rất rõ: Tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Xưởng phim Giải Phóng (nay là Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng, Bộ VH-TT-DL) đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Để có được danh hiệu cao quý này là cả một quá trình dài hoạt động và phát triển của Xưởng phim Giải Phóng từ trong khói lửa chiến tranh, là sự hy sinh của 31 đồng chí là những nhà quay phim, đạo diễn, nhân viên kỹ thuật vừa cầm máy quay, vừa cầm súng trực tiếp chiến đấu và ghi lại những thước phim quý giá về cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc Mỹ xâm lược của quân và dân miền Nam.
Bước ra từ Hãng phim Giải Phóng, về nghỉ hưu, lẽ ra ông Nguyễn Thái Hòa phải có trách nhiệm tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ hãng phim nói chung và những người kế nghiệp nói riêng, nhưng ông đã cùng anh trai mình là ông Nguyễn Văn Thu và bà Nguyễn Như Ngọc Quyên liên tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo ông Nguyễn Tiến Hưng (là em ruột ông Thái Hòa), hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP phim Giải Phóng. 
Bài viết này cũng nhằm rộng đường dư luận, làm sáng tỏ một số vấn đề mà ông Nguyễn Thái Hòa khiếu nại. Phóng viên viết bài dựa trên các số liệu và thông tin được chính những người có trách nhiệm tại Công ty CP phim Giải Phóng cung cấp. Sự việc đúng sai thuộc thẩm quyền của các cơ quan điều tra.
Được biết, cuối tháng này, Thanh tra Bộ VH-TT-DL phối hợp Đảng ủy khối chi nhánh phía Nam của bộ này sẽ có buổi gặp gỡ làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Thu và bà Nguyễn Như Ngọc Quyên để làm rõ thêm những thắc mắc trong các đơn tố cáo, khiếu nại; từ đó đưa ra kết luận cuối cùng.

Tin cùng chuyên mục