Sáng 7-11, một lần nữa tình trạng sụp lún đường trên địa bàn TPHCM được đưa ra mổ xẻ trong chương trình Nói và Làm do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM thực hiện.
Chế tài triệt để
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, hiện tượng 33 vụ sụp lún vừa qua cần được nhìn nhận nghiêm túc. “Có 3 nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng các công trình đang thi công không đảm bảo, một tỷ lệ khá lớn công trình hạ tầng kỹ thuật cũ chưa được thay thế, công tác quản lý, phân công, phối hợp chưa chặt chẽ, xử lý chưa nghiêm. Vì vậy, UBND TPHCM cần xem xét phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng hơn. Tránh tình trạng nhiều đơn vị quản lý nhưng xảy ra sự cố, không ai chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.
Báo cáo tại buổi đối thoại, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng cho biết, trong 33 vụ lún sụp xảy ra từ tháng 7 đến ngày 4-11, chỉ có 10 vụ do tổ chức thi công không đúng quy trình (chiếm 1/3), còn 2/3 do hạ tầng yếu kém, hệ thống ống cấp thoát nước quá cũ kỹ, đang hư hại, xuống cấp. Sở đã chỉ đạo tăng cường theo dõi, xử phạt nghiêm đơn vị tái lập mặt đường kém và đã xử lý nhiều đơn vị.
Nhưng đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM không đồng tình: “Những biện pháp trên trong vòng một tháng nay chưa làm người dân an tâm. Trách nhiệm chính trong vấn đề này vẫn là Sở GTVT. Trong 1/3 sự cố đã xảy ra, sắp tới sở có khẳng định sẽ loại bỏ được hoàn toàn không?”.
Tán đồng ý kiến này, ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM chất vấn: “Hầu hết các sự cố đã xảy ra đến giờ vẫn chưa có đơn vị, cá nhân nào chịu trách nhiệm, chỉ khắc phục. Điều mà Mặt trận và cử tri quan tâm là việc xử lý trách nhiệm các đơn vị đó như thế nào? Có xử lý đến nơi đến chốn chưa, có xử lý hình sự không?”.
Về việc này, ông Trần Quang Phượng cho biết, trong tháng 10, Thanh tra GTVT chỉ thu phạt được 2 tỷ đồng. Để chấn chỉnh, kể từ nay, Sở GTVT không cấp phép thi công, hoặc gia hạn giấy phép đối với các đơn vị chưa khắc phục vi phạm và chưa nộp phạt. “Trách nhiệm của ngành là phải kiểm tra việc tái lập mặt đường. Vậy số tiền phạt chưa thu được sở tính sao?”, ông Huỳnh Công Hùng, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM hỏi.
Tiếp lời về vấn đề này, ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn bày tỏ lo ngại: “Tính đến nay, toàn TP đã xảy ra 873 vụ đào đường gây bể ống nước, thất thoát trên 300.000m3 nước với tổng thiệt hại 5,6 tỷ đồng. Nhưng các đơn vị chỉ mới bồi thường 3,2 tỷ đồng. Đáng lo nhất là nhà thầu thi công làm bể ống nước, sau đó tự khắc phục không đảm bảo chất lượng, gây nguy hiểm về sau”.
Góp ý về tình trạng này, bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, các quy định xử phạt hiện hành đều đầy đủ, căn bản là “chúng ta có làm hết các quyền của mình chưa”. “Nếu cần thì kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng đơn vị chịu trách nhiệm các vụ vi phạm”, bà Hồng nhấn mạnh.
Ngăn xe quá tải, kiểm soát khai thác nước ngầm
Đưa ra một ví dụ cụ thể về hiện tượng ổ gà xuất hiện trên đường cao tốc, ĐB Trương Trọng Nghĩa phân tích: “Trong Luật Dân sự có một khái niệm là “nguồn nguy hiểm cao độ”. Tức là trên đường cao tốc (nơi nguy hiểm cao độ), phải có người chịu trách nhiệm về ổ gà. Nếu cứ để xảy ra sự cố rồi chạy theo khắc phục là không được. Phải chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm mới xử lý rốt ráo sau này. Đề nghị HĐND TP dành kinh phí mời nhóm chuyên gia có cuộc khảo sát độc lập để có thể đưa ra toàn cảnh bức tranh lún sụp, từ đó đề ra giải pháp xử lý căn cơ”.
Bên cạnh đó, các ĐB cho rằng việc các xe tải có tải trọng lớn lưu thông vào đường nội đô cũng góp phần gây sụp lún mặt đường. “Cần cấm xe tải nặng lưu thông vào các tuyến đường có nguy cơ sụp lún”, ông Hải góp ý.
Chưa hài lòng với nhận định của Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt rằng việc khai thác nước ngầm vẫn an toàn, ĐB Nghĩa cho rằng: “HĐND đã nêu vấn đề khai thác nước ngầm từ 4-5 năm nay rồi, nhưng tình trạng khai thác nước ngầm vẫn tràn lan. Liệu chúng ta có kiểm tra đầy đủ việc khai thác nước ngầm chưa, có lập được bản đồ quản lý khai thác nước ngầm hàng ngày, hàng giờ chưa? Sở TN-MT có yên tâm trong các vụ lún sụp sắp tới không có nguyên nhân do khai thác nước ngầm không?”.
Do đó, các ĐB yêu cầu Sở TN-MT siết lại việc quản lý khai thác nước ngầm, đồng thời khi thiết kế đô thị mới phải có đường hầm kỹ thuật riêng, dù tốn kém cũng phải làm. “Trách nhiệm của các đơn vị thi công, chủ đầu tư và tư vấn giám sát vẫn chưa làm hết. Quản lý vẫn còn đan xen, chồng chéo lẫn nhau. Sở GTVT cần gấp rút phối hợp với các đơn vị liên quan loại trừ các yếu tố tiềm ẩn gây nguy hiểm chết người. Chỉ rõ cho người dân biết đoạn đường nào có nhiều khả năng xảy ra sụp lún, di dời trụ điện ở những đoạn đường vừa mở rộng… Có vậy, người dân mới yên lòng”, ông Hùng đề nghị.
Kết luận buổi đối thoại, đề cập về giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng sụp lún mặt đường, đảm bảo ổn định lâu dài, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng, các cơ quan chức năng của TP cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ về mô hình quản lý đô thị phù hợp cho TP, quy về một đầu mối để quản lý không cắt khúc, không chồng chéo.
“Nghị định 13 chưa phù hợp với TP, công tác xử lý vi phạm chưa nghiêm, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ. Vì vậy, thời gian tới, chủ đầu tư cần tăng cường kiểm tra, khắc phục kịp thời sự cố xảy ra. Nghiên cứu xây dựng hầm kỹ thuật dùng chung, đầu tư về vốn liếng đúng mức. Tăng cường phối hợp thanh tra nhà nước các cấp; khuyến khích xây dựng các thương hiệu uy tín trong ngành xây dựng. Ngoài ra, khi gặp sự cố, người dân hãy gọi điện thoại về số điện thoại nóng của Sở GTVT 08.38.222.777”, Chủ tịch Phạm Phương Thảo nói.
Vân Anh