Gần đây, nhiều người dân ở Kon Tum, Gia Lai đổ xô khai thác cây dược liệu, thậm chí cả loài cỏ dại bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc, dẫn đến cạn kiệt nguồn dược liệu và nhiều hệ lụy khác.
Cây “bách bệnh” là… cỏ dại
Khoảng 3 tháng nay, một số thương lái đến làng Kon Jơ Dri (xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đặt mua một loại cây cỏ mà đồng bào nơi đây gọi cây cỏ xước. Loại cây này vốn là cây dại, rất dễ sống và mọc khắp các bờ sông suối, ruộng, rẫy. Khi thương lái đặt mua với giá 7.000 đồng/kg khô, người dân tỏ vẻ nghi ngờ nhưng thấy có tiền, họ không nghĩ ngợi nhiều mà kéo nhau đi lùng gom về bán. Bà Y Trang (làng Kon Jơ Dri) nói: “Hôm thương lái đến tận nhà đặt mua cây cỏ xước, tôi thấy lạ và cứ nghĩ người ta nói đùa vì từ xưa đến nay, cây này mọc khắp nơi, diệt mãi không hết khiến ai cũng “gai mắt”. Thấy họ nói mãi nên tôi huy động thêm 2 người trong gia đình đến các bờ sông, con suối cùng đi nhổ cỏ. Ngày cao nhất gom được 4 bao khô (mỗi bao khoảng 10kg) bán cho thương lái”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi thu gom cây cỏ xước, các thương lái sẽ chuyển ra cửa khẩu phía Bắc rồi xuất bán sang Trung Quốc. Ông Phan Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa, xác nhận cũng nghe thông tin thu gom cây cỏ xước trong dân rồi bán cho thương lái. Theo ông Nam, cây cỏ xước là đối tượng cần tiêu diệt trong sản xuất nông nghiệp. Tự dưng cây này được thu mua nên thấy có gì đó bất thường. “Không ai cấm việc mua bán cây cỏ xước. Cây này mọc khắp nơi. Tôi lo lắng, nếu cây này được thu mua nhiều có thể sẽ lôi kéo các cháu học sinh nghỉ học đi thu gom, lúc ấy sẽ ảnh hưởng đến việc học của các cháu. Thu gom xong mà thương lái dừng mua thì nông dân sẽ thiệt hại. Hiện xã đang tuyên truyền để cảnh báo bà con hiểu những điều bất thường của việc thu mua cây cỏ xước. Xã cũng đã chỉ đạo công an phối hợp với thôn theo dõi tình hình, kịp thời có hướng xử lý”, ông Nam nói.
Cây cỏ xước được lùng mua với giá 7.000 đồng/kg khô
Tận diệt cây dược liệu quý
Ngoài cây cỏ xước, tại Kon Tum, Gia Lai, các cây dược liệu quý như máu chó, cu li, kim cương, cây rươi, cũng được thu mua rộng rãi. Người dân đổ xô đi khai thác bán cho các thương lái, dẫn đến nguy cơ tận diệt. Ghi nhận tại các xã Chư Drăng, Ia Rmok (huyện Krông Pa, Gia Lai), mỗi ngày có hàng chục người đi xe máy vào rừng chặt cây rươi. Sau khi khai thác, cây rươi được cắt nhỏ thành lát và bán cho thương lái với giá 3.500 đồng/kg.Theo tìm hiểu, các loại cây này sau khi được thương lái thu mua sẽ được xuất bán sang Trung Quốc.
Trong khi đó, trên tuyến đường NT 18 (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) có cây cu li phơi la liệt. Đây vốn là địa chỉ nhiều thương lái tập kết hàng sau khi mua từ người dân với giá 2.000 đồng/kg. Một thương lái tại huyện Ngọc Hồi cho biết, có thời điểm mua một ngày cả tấn. Hàng mua xong được cắt mỏng và bán cho thương lái Trung Quốc với giá 14.000 đồng/kg. Tương tự, tại huyện Kon Plông (Kon Tum), thương lái lùng mua cây kim cương với giá 150.000 đồng/kg. Tại huyện Kon Rẫy và Đắk Glei (Kon Tum), có cây máu chó được lùng mua với giá 3.000 đồng/kg…
Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai), cho biết phần lớn người khai thác cây dược liệu từ các địa phương khác đến nên rất khó quản lý, kiểm soát.
HỮU PHÚC