Lúng túng quản lý dạy thêm, học thêm

Từ đầu tháng 10-2018 đến nay, Sở GD-ĐT TPHCM thành lập các đoàn kiểm tra không báo trước đối với các cơ sở dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đồng thời ở 24 quận - huyện, UBND phường - xã cũng phối hợp với phòng GD-ĐT kiểm tra hoạt động của các cơ sở dạy thêm. Tuy nhiên, do nhiều quy định chồng chéo nên việc quản lý vấn đề này còn bất cập, các địa phương loay hoay mỗi nơi làm một kiểu.

Quy định lỏng lẻo

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết trên địa bàn 10 phường của quận hiện có 48 cơ sở dạy thêm, học thêm (DTHT) được cấp phép hoạt động.

Ngoài ra còn có 10 trường công lập có tổ chức DTHT ngoài nhà trường. UBND quận Bình Tân đã có văn bản chỉ đạo Phòng GD-ĐT phối hợp với UBND phường tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát hoạt động DTHT trên địa bàn.

Hoạt động kiểm tra tập trung một số nội dung như giấy phép hoạt động, tổ chức dạy thêm có đúng đối tượng đăng ký, giáo viên không dạy thêm học sinh chính khóa...

Ngoài ra, hiệu trưởng các trường công lập được giao nhiệm vụ quán triệt trong đội ngũ không để giáo viên của mình vi phạm quy định về DTHT, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, nghiêm cấm cắt xén chương trình để ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, một thành viên đoàn kiểm tra liên ngành tại đây cho biết, vai trò phối hợp giữa các bên liên quan còn mờ nhạt. Theo văn bản mới nhất của UBND TPHCM về quản lý các cơ sở trông giữ trẻ em ngoài giờ học có lồng ghép DTHT (ban hành ngày 20-7-2018), UBND phường - xã được giao trách nhiệm quản lý các cơ sở về an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và an toàn, an ninh tại cơ sở; phòng GD-ĐT quận, huyện chỉ có trách nhiệm rà soát về thời gian trông giữ trẻ hợp lý và chương trình rèn luyện phù hợp độ tuổi.

Lúng túng quản lý dạy thêm, học thêm ảnh 1 Một cơ sở bán trú tự phát tại phường 14 quận Gò Vấp đáp ứng nhu cầu học thêm trái buổi
của học sinh Trường Tiểu học An Hội
Mặt khác, do Bộ GD-ĐT chưa có bất kỳ quy định nào về khung thời gian và nội dung chương trình giữ trẻ ngoài giờ, nên yêu cầu rà soát đối với 2 nội dung này được xem là khó thực hiện, không thể tránh khỏi tâm lý chủ quan, thực hiện mỗi nơi một kiểu.

Tại quận Tân Bình, báo cáo kết quả kiểm tra DTHT trên địa bàn năm học 2017-2018 cho thấy, vẫn còn tình trạng cơ sở DTHT cung cấp đơn đăng ký học thêm chưa có chữ ký của phụ huynh, thiếu cập nhật danh sách giáo viên, công khai học phí.

Tại quận Thủ Đức, bắt đầu từ tháng 11-2018, Phòng GD-ĐT quận sẽ phối hợp với cán bộ chuyên trách tại 12 phường tổ chức các đoàn kiểm tra không báo trước đối với các trường tiểu học, THCS, các cơ sở, cá nhân tổ chức hoạt động DTHT trên địa bàn.

Trong đó, riêng đối với các trường tiểu học và THCS, hiệu trưởng phải lập hồ sơ quản lý giáo viên của đơn vị mình tham gia giảng dạy tại các cơ sở DTHT. Tuy nhiên, theo một đại diện phòng GD-ĐT, giáo viên hiện nay tổ chức dạy thêm ở nhà khá nhiều vì nhu cầu của học sinh rất lớn, nhưng không phải tất cả đều khai báo.

Bỏ ngỏ bán trú tự phát

Năm học 2018-2019, hàng loạt các quận như Bình Tân, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Thủ Đức giảm tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học, do áp lực sĩ số từ lứa học sinh có năm sinh “rồng vàng”.

Đơn cử như quận Bình Tân, dù đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường cơ sở vật chất nhưng hiện mới đáp ứng được nhu cầu học bán trú cho khoảng 40% học sinh tiểu học trên địa bàn; 60% học sinh còn lại có nhu cầu được trông giữ, quản lý vào buổi thứ 2.

Đồng cảnh ngộ, tại các khu vực đông người dân nhập cư như phường Hiệp Thành (quận 12) hay phường 14 (quận Gò Vấp), nhiều cơ sở bán trú tự phát đã mọc lên nhằm đáp ứng chỗ học cho trẻ đang phải chỉ học 1 buổi/ngày trong trường.

Trong đó, có những cơ sở đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất như trường mầm non, trung tâm bồi dưỡng văn hóa mở thêm dịch vụ trông giữ trẻ ngoài giờ. Tuy nhiên, cũng có cơ sở chỉ được cải tạo từ nhà dân, không đáp ứng các yêu cầu về diện tích phòng ốc và phòng cháy chữa cháy.

Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Mô hình bán trú tự phát hiện nay do UBND phường - xã quản lý. Về quy định, chưa thể cấp một giấy phép chung cho loại hình hoạt động này, mà từng dịch vụ cụ thể trong đó phải được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền”.

Cụ thể, cơ sở tổ chức giữ trẻ phải đăng ký giấy phép hoạt động với UBND phường - xã. Trường hợp kết hợp thêm dịch vụ ăn uống, phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu tổ chức DTHT có thu tiền, phải cam kết với UBND phường - xã nơi đặt điểm dạy thêm thực hiện các quy định về DTHT ngoài nhà trường, cũng như trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức DTHT.

Nếu lồng ghép thêm các nội dung giáo dục kỹ năng sống phải được phê duyệt chương trình từ Sở GD-ĐT TP. “Vì vậy, các cơ sở không nên ôm đồm tổ chức quá nhiều dịch vụ cùng lúc khi chưa được cấp phép mà nên tổ chức từng bước, như trông giữ trẻ trước, sau khi hoàn thành các giấy phép mới kết hợp thêm dịch vụ ăn uống và dạy học”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM khuyến nghị.

Tin cùng chuyên mục