Lúng túng trong quản lý

Nghị trường Anh đang nóng lên với những cáo buộc từ các nghị sĩ Công đảng rằng Chính phủ Anh của đảng Bảo thủ đang đánh thuế vào người nghèo. Vụ việc bắt nguồn từ quyết định của chính phủ đánh thuế các căn hộ bỏ trống trong khi các đại gia siêu giàu có hàng loạt biệt thự để trống trong nhiều năm lại không ảnh hưởng gì.

Hiện tại, trên đại lộ The Bishops, hay còn gọi là “phố tỷ phú”, ở Hampstead, Bắc London, 1/3 số căn biệt thự đang bị “bỏ hoang”.

Số nhà để trống có trị giá lên đến 350 triệu bảng Anh, trong đó có 10 biệt thự do gia đình hoàng gia Saudi Arabia làm chủ những năm 1990 sau đó bán lại, đã không có người ở trong suốt 25 năm qua. Báo Guardian dẫn lời ông Phoenix Rainbow, nhà hoạt động nhà ở cộng đồng tại quận Barnet của London, nơi có đại lộ nói trên, cho biết tình trạng này cho thấy “trình độ quản lý yếu kém của nước Anh trong lĩnh vực nhà đất”.

Thị trưởng Johnson cho rằng nhu cầu nhà ở tăng cao chưa từng có, vì vậy, ông đề nghị cần áp đặt thuế thêm 50% cho các chủ nhà để trống nhà trên 2 năm. Nhưng Công đảng bác bỏ đề xuất của thị trưởng London và cho rằng cần đánh thuế 100% trên những ngôi nhà trống. Ước tính hiện có 50.000 ngôi nhà trống ở London.

Nhiều người dân London cho rằng mọi người có toàn quyền với tài sản của mình, nhưng những người sống ở các nơi chật chội và nghèo nàn lại bất bình khi thấy những nơi nguy nga, xinh đẹp bị lãng phí.

Nghị sĩ Công đảng chuyên trách về nhà ở Emma Reynolds cho rằng giữa cuộc khủng hoảng nhà, nhất là tại London, sẽ là tai họa khi các nhà đầu tư nước ngoài mua nhà ở London đầu tư nhưng không có ý định sống ở đấy. Bà cho biết Công đảng sẽ có biện pháp mạnh với chủ các căn nhà không có người ở. Các hội đồng nhân dân có quyền hạn quản lý nhà ở để trống, ghi nhận các hoạt động của những căn nhà này và thu tiền thuê nhà hoặc thuế trước bạ khi có giao dịch mua bán. Tuy nhiên họ ít khi sử dụng quyền này.

Tổ chức thị trường tự do Civitas đang gia tăng áp lực lên Chính phủ Anh với đề xuất cấm người ngoài khối EU mua nhà hiện có. Họ chỉ được phép mua nhà mới xây với điều kiện sẽ dẫn đến việc xây dựng thêm nhiều nhà ở khác.

Civitas trích dẫn số liệu thống kê cho thấy 85% hoạt động mua sắm bất động sản ở London vào năm 2012 bằng tiền từ nước ngoài, đồng thời cho rằng đầu tư nước ngoài đã gây rối loạn trong chính sách xây dựng nhà ở của London.

Theo cơ quan bất động sản Knight Frank, tại khu vực trung tâm London, chỉ có 27% số nhà mới do người Anh mua, trong khi hơn 50% số nhà do người từ Singapore, Hồng Công, Trung Quốc, Malaysia và Nga.

Nhà ở đang là vấn đề nhức nhối không chỉ ở London mà nhiều đô thị khác trên thế giới. Quản lý vấn đề này ngay như một quốc gia có nhiều kinh nghiệm như Anh cũng đang gặp nhiều lúng túng do tính chất toàn cầu hóa ngày càng cao của thị trường bất động sản.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục