Lúng túng trước sóng thần, động đất

Ngỡ ngàng về nguy cơ thảm họa

Tại hội nghị giao ban trực tuyến tổ chức sáng 29-6 giữa Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và các địa phương trong cả nước về các nguy cơ sóng thần, động đất, đến nay, nhiều nơi vẫn còn loay hoay, thậm chí mơ hồ về các giải pháp, phương án ứng cứu, phòng tránh sóng thần và động đất.

Ngỡ ngàng về nguy cơ thảm họa

Hội nghị trên được tổ chức sau khi trận động đất ở ngoài khơi biển Phan Thiết và đảo Phú Quý (Bình Thuận) - gây dư chấn tới tận TPHCM - vừa xảy ra và các chuyên gia nhận định, các nguy cơ về sóng thần và động đất ở nước ta cũng như thế giới ngày càng phức tạp, ẩn chứa tai họa khôn lường. 

Trong khi các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu khẳng định, hiện chưa thể dự báo trước được khi nào, nơi đâu động đất xảy ra mà khi thảm họa xuất hiện thì chỉ có thể cố gắng đưa tin nhanh để cảnh báo. Trong trường hợp có động đất ở trên biển thì có thể cảnh báo trước về nguy cơ sóng thần với điều kiện có đầy đủ các thông tin, dữ liệu quan trắc về khu vực có động đất. Có nghĩa là trong tình thế hiện nay, động đất xảy ra đã là quá muộn. Vậy nhưng ở nhiều địa phương, cả lãnh đạo lẫn người dân đều “ngỡ ngàng” khi bàn về các nguy cơ thảm họa.

Theo ông Bùi Văn Đức, Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, Chính phủ phải tổ chức các đợt diễn tập về phòng chống sóng thần, động đất như đang áp dụng đối với PCLB để người dân “quen” các kịch bản có thể xảy ra. Chẳng hạn như khi sóng thần thì các tàu biển đang ở trên biển phải đi về đâu, còn người trên bờ, khách du lịch thì phải sơ tán thế nào. Thậm chí theo đại diện Bộ Quốc phòng, dọc theo bờ biển còn phải quy hoạch sẵn các điểm để khi thảm họa xảy ra là có ngay các phương án sơ tán. 

Phân rõ trách nhiệm báo tin sóng thần, động đất

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát, dứt khoát: “Trong quy chế, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Vật lý địa cầu là cơ quan duy nhất ở Việt Nam phát thông tin và cảnh báo sóng thần, động đất. Do đó, thông tin của viện sẽ là thông tin chính thức và đề nghị không cần đợi bất cứ một sự chỉ đạo nào khác, phải bằng mọi cách thông tin ngay tới từng người dân”. Bởi theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nếu xảy ra động đất và sóng thần ở phía Tây của Philippines, thậm chí ở giữa biển Đông thì không cần tới 2 giờ đồng hồ như các nhà khoa học đã tính toán mà có khi chỉ 1 giờ là ảnh hưởng tới bờ biển Việt Nam. Lúc đó, chúng ta không còn thời gian nào để họp bàn, để gọi điện thoại xin chỉ đạo nữa. Phải yêu cầu ngư dân lên bờ ngay lập tức, còn khách du lịch và người dân ở ven biển thì phải sơ tán lên cao, lên các khu vực an toàn. Các địa phương phải phân rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân trong việc triển khai hành động khi có thảm họa xảy ra và phải chịu mọi trách nhiệm.

Giải pháp để ứng phó với các thảm họa sóng thần, động đất, theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương thì các địa phương cần phải đẩy mạnh chương trình xây dựng đê biển hiện đại, trồng cây chắn sóng. Trước mắt, cơ chế thông tin sóng thần, động đất vẫn là dựa vào truyền thông đại chúng, huy động tổng lực các phương tiện gồm truyền hình, radio, điện thoại, internet… Nhưng về lâu dài, chủ trương của Chính phủ là xây dựng hệ thống trực canh tại chỗ để khi có thảm họa như sóng thần xảy ra, lập tức tổ chức ngay việc sơ tán dân, ứng cứu.

Phúc Hậu - Công Phiên

Tin cùng chuyên mục