Ngày 18-3, nhân kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 23-3, Bộ TN-MT đã tổ chức hội nghị diễn đàn quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại biểu các tỉnh thành đều đồng nhất khi cho rằng biến đổi khí hậu đã và đang có nhiều tác động tiêu cực đến nước ta. Điều đáng lo ngại là chiến lược ứng phó, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều lúng túng.
Rối từ kịch bản...
Ông Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường, cho biết, biến đổi khí hậu nước ta thể hiện rõ là nhiệt độ đã tăng 0,5°C trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn so với mùa hè. Mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xảy ra nhiều nơi. Nổi bật nhất là đợt mưa lớn tháng 11-2008 gây ngập nặng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tần số hoạt động không khí lạnh ở Bắc bộ giảm rõ rệt từ 288 đợt (1971-1980) xuống còn 249 đợt (1991-2000), nhưng ngược lại rét đậm, rét hại với cường độ mạnh hơn. Số lượng các cơn bão trái quy luật và có cường độ mạnh xuất hiện ngày càng nhiều hơn…
Trên biển Đông, nước biển đã dâng 4,7mm/năm, còn tại vùng ven biển nước ta, mực nước biển đã dâng 2,9mm/năm. Trước thực tế đó, một kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam đã được hoàn thành vào cuối năm 2010. Theo đó, đến năm 2100 nhiệt độ nước ta tăng 2 - 3°C, lượng mưa tăng mức phổ biến 10%-20%. Mực nước biển dâng cao nhất là ở tỉnh Cà Mau đến Kiên Giang 82cm, thấp nhất là vùng Móng Cái 64cm. Còn trung bình trên toàn lãnh thổ nước ta là 75cm. Ngoài ra, trong kịch bản cũng dự báo nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao và đạt khoảng 1m thì những tổn hại đến nước ta rất khôn lường. Cụ thể, đồng bằng sông Hồng có khoảng 1.600km² bị ngập, tại vùng ven biển là 2.500km² và đồng bằng sông Cửu Long là 15.000km².
Tuy nhiên, ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các tỉnh thành tham dự hội nghị đều cho rằng kịch bản biến đổi khí hậu còn chung chung, chưa đánh giá được tác động cụ thể của vấn đề biến đổi khí hậu đã và đang gây ra tại từng vùng, địa phương trên cả nước. Do vậy, kịch bản không thể tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, nếu đã nói đến nước biển dâng thì chắc chắn sẽ phải đánh giá được tác động tình trạng xâm nhập mặn vào đất liền, nhất là vào những nguồn nước ngọt như sông Đồng Nai... Mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 16 triệu dân đang sinh sống tại khu vực này ra sao? Cơ sở cốt nền nào để tính được mực nước biển dâng? biến đổi khí hậu sẽ khiến cho tần suất xuất hiện các cơn bão ra sao?... Đáng tiếc là đại diện Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường chưa giải đáp được vì… thiếu cơ sở nghiên cứu.
Thiếu một kịch bản chi tiết nên tại các địa phương, việc triển khai giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu càng rối hơn. Đại diện Ban Chỉ đạo khu vực Tây Nam bộ cho biết, hiện nay có rất nhiều dự án thích ứng với biến đổi khí hậu theo kiểu mạnh ai nấy làm. Giữa các bộ ngành hay giữa các địa phương không có sự liên kết với nhau, trong khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả các vùng miền.
Ông Nguyễn Đông Hoài, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, nhấn mạnh, chỉ tính riêng tại tỉnh Cà Mau từ năm 2007 đến nay, diện tích rừng phòng hộ đã bị sụp lở nghiêm trọng. Hiện trên địa bàn tỉnh có đến 60km đê chắn biển đã bị mất rừng phòng hộ. 300km đê chắn biển còn lại thì chiều rộng của rừng phòng hộ chỉ còn 20 - 100m. Dự kiến trong vòng 3 năm nữa tỉnh phải đối mặt với nguy cơ không còn rừng phòng hộ cho đê biển. Trên thực tế, tác hại của biến đổi khí hậu đối với tỉnh đã rất rõ.
Ông Dương Văn Chí, Viện Lúa ĐBSCL, khẳng định, sản xuất nông nghiệp rất quan trọng ở nước ta, nhất là tại các khu vực đồng bằng. Trong những năm gần đây, tình trạng thời tiết thất thường đã ảnh hưởng rất lớn sản lượng cây trồng, vật nuôi, nhất là diện tích trồng lúa. Tuy nhiên, cách nào nhằm giúp ngành nông nghiệp chủ động ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu thì các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay đi tìm.
Chọn mục tiêu nào để ứng phó biến đổi khí hậu?
Ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cho biết, từ nay đến năm 2015, mục tiêu hàng đầu của nước ta là cấp bách quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL, sông Hồng; củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, sông; chống ngập cho thành phố lớn; chống xâm nhập mặn cho những vùng bị nặng nhất; hiện đại hóa hệ thống cảnh báo sớm khí hậu cực đoan phục vụ phòng chống thiên tai; đánh giá hiện trạng phát thải khí nhà kính… Thế nhưng, theo nhiều đại biểu tham dự hội nghị, mục tiêu ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cần được xác định rõ hơn.
Đại diện Đại sứ quán Đan Mạch cho rằng, vấn đề đầu tiên cần làm là xác định rõ vai trò của từng ngành, bộ nào chủ trì, bộ nào phối hợp và cơ chế liên kết ngành, tỉnh địa phương trong việc thực hiện chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Kế đến, xác định cụ thể thứ tự mục tiêu ưu tiên. Không nên đặt tham vọng vào quá nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Ông Lê Xuân Tuyên, đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, cần xác định lĩnh vực nông nghiệp là ưu tiên chính. Vì nước ta là một trong 10 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng đây đang là lĩnh vực chịu nhiều tổn thương nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Giữ kho lúa gạo là rất quan trọng nhưng để giữ được thì cần có giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ nguồn nước ngọt.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định, việc cụ thể hóa chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng việc ra đời chiến lược trên còn ngắn nên chưa thể hoàn thiện ngày một ngày hai. Do đó, trong thời gian tới sẽ cố gắng hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu. Cũng trong hội nghị, bà Trần Thị Thanh Phương, đại diện Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam, cũng khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam khoảng 800 triệu USD để hoàn thiện chiến lược quốc gia của Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu.
ÁI VÂN – MINH HẢI