Lúng túng xét nghiệm

Thời gian qua, tại TPHCM xuất hiện một số bệnh viện, phòng khám thay vì thực hiện làm xét nghiệm cho người bệnh thì họ lại đưa mẫu, bệnh phẩm đi xét nghiệm ở một cơ sở khác và sau đó đứng tên lên phiếu trả kết quả.

Thời gian qua, tại TPHCM xuất hiện một số bệnh viện, phòng khám thay vì thực hiện làm xét nghiệm cho người bệnh thì họ lại đưa mẫu, bệnh phẩm đi xét nghiệm ở một cơ sở khác và sau đó đứng tên lên phiếu trả kết quả.

Trước tình hình này, dư luận chia làm 2 luồng ý kiến, một bên thì cho rằng làm như vậy là lừa dối người bệnh, là mạo danh. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là chuyện chấp nhận được nếu như nó vẫn đảm bảo sự chính xác cũng như trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Đáng chú ý là do luật chưa quy định rõ về vấn đề này nên cơ quan chức năng cũng đang lúng túng trong việc xử lý hay không xử lý những trường hợp này.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực xét nghiệm, mô hình này trên thực tế đã được thực hiện và phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc… người ta vẫn cho phép các cơ sở y tế, bệnh viện liên kết với trung tâm xét nghiệm để thực hiện làm xét nghiệm cho người bệnh (trừ những trường hợp cấp cứu). Vì như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí, bởi nếu mỗi bệnh viện, mỗi cơ sở y tế đều mua sắm thiết bị thì đòi hỏi đơn vị đó phải đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất, nhân sự… gây lãng phí. Còn nếu tập trung về một mối để đầu tư thì trang thiết bị sẽ đầy đủ hơn, chi phí hoạt động khác cũng giảm đi, kỹ thuật cũng chuyên sâu hơn và giúp cho chất lượng, kết quả xét nghiệm đảm bảo.

Tuy nhiên, theo quy định của các nước tiên tiến, trách nhiệm về kết quả xét nghiệm đã được phân định rạch ròi, trung tâm thực hiện xét nghiệm chịu trách nhiệm với bệnh viện, còn bệnh viện chịu trách nhiệm với bệnh nhân. Hoặc trung tâm xét nghiệm cũng phải có trách nhiệm với người bệnh nếu để xảy ra sai sót. Đồng thời, các trung tâm xét nghiệm này phải đạt chuẩn ISO và có uy tín. Bên cạnh đó, các quy trình như lấy mẫu, sinh phẩm, bệnh phẩm, vận chuyển, bảo quản đều phải đảm bảo an toàn như nhiệt độ ổn định, không bị ánh nắng, các mẫu xét nghiệm được cách ly để không gây nhiễm chéo giữa các mẫu hay lẫn lộn… Nếu như quá trình lấy mẫu, vận chuyển các mẫu từ bệnh viện hay cơ sở y tế đến trung tâm xét nghiệm không đảm bảo thì kết quả xét nghiệm sẽ không chính xác.

Trong khi đó, tại TPHCM ngoài việc nhiều cơ sở xét nghiệm còn chưa đạt chuẩn ISO, thậm chí hiện nay đang tồn tại một nghịch lý là khi nhiều bệnh viện không chấp nhận kết quả xét nghiệm, kết quả X-quang của cơ sở khác mà yêu cầu bệnh nhân phải làm xét nghiệm lại khi tới khám, điều trị ở bệnh viện mình thì lại có những cơ sở y tế lại dễ dãi hợp tác với các trung tâm xét nghiệm khác. Trong khi quy trình vận chuyển mẫu, bệnh phẩm từ phòng khám, bệnh viện đến cơ sở xét nghiệm cũng chưa đảm bảo chặt chẽ mà còn tùy vào ý thức của nhân viên y tế. Đáng lo hơn là một số cơ sở y tế, kể cả bệnh viện còn hợp tác với những đơn vị làm xét nghiệm “chui”, chưa có giấy phép hành nghề.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm xem xét và có những quy định phù hợp nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho người dân. 

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục