Shin Cheol-soo, một doanh nhân Hàn Quốc, đã tuyệt vọng về tương lai của mình tại Mỹ. Một thập niên qua, Công ty ENA Industry của ông đã cung cấp linh kiện cho các nhà chế tạo ô tô Mỹ. Tuy nhiên, năm nay ông Shin đã quyết định đưa gia đình rời Detroit để tập trung bán hàng sang nền kinh tế mới nổi Trung Quốc, nơi đã soán ngôi của Mỹ vào năm 2009 trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Theo ông Shin, Mỹ hiện là một “con hổ” không còn sức mạnh.
Theo Hãng tin AP, trong 5 năm, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại với nhiều nước trên thế giới, kể cả với những đồng minh thân cận của Washington như Hàn Quốc, Australia. Tính đến năm 2006, Mỹ là đối tác thương mại lớn của 127 quốc gia, trong khi Trung Quốc chỉ là đối tác thương mại của 70 nước. Tuy nhiên, năm 2011, đã có sự đổi chỗ giữa 2 quốc gia: 124 quốc gia trở thành đối tác thương mại của Trung Quốc, trong khi con số này với Mỹ là 76.
Với sự chuyển dịch bất ngờ kể từ Thế chiến II, cuộc sống và công việc kinh doanh của người dân từ châu Phi sang châu Mỹ đều đang thay đổi khi người nông dân trồng nhiều đậu tương hơn để bán cho Trung Quốc; còn các sinh viên bắt đầu đăng ký học tiếng Trung. Điều này cho thấy Trung Quốc đang phát triển nhanh tới mức có thể làm lung lay vị thế quyền lực kéo dài cả trăm năm của Mỹ. Không chỉ có sức ảnh hưởng tại châu Á, châu Phi, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới còn đang nổi lên tại Mỹ Latinh, khu vực vẫn được xem là “sân sau” của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Colombia, Mauricio Cardenas, cho rằng trọng lực của nền kinh tế thế giới đang chuyển sang phía Đông. Giống như hầu hết các nước Mỹ Latinh, Colombia vẫn thắt chặt quan hệ với Mỹ, nhưng mức đóng góp của trao đổi thương mại với Trung Quốc vào GDP của nước này đã tăng 0-2,5% GDP, cao hơn 10 lần so với năm 2001. Các chuyên gia nhận định bất chấp đà tăng trưởng chậm lại, mức đóng góp của kinh tế Trung Quốc vào GDP và thương mại toàn cầu vẫn sẽ gia tăng và dự kiến tăng lên 8%/năm trong thập niên tới, vượt qua Mỹ và châu Âu.
Một thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cho thấy tầm quan trọng của việc trao đổi thương mại với Trung Quốc đối với 180 quốc gia. Theo đó, năm 2002, trao đổi thương mại với Trung Quốc chiếm trung bình 3% GDP của một quốc gia, thấp hơn so với mức tương ứng 8,7% của Mỹ. Nhưng tính đến năm ngoái, trao đổi thương mại với Trung Quốc đã chiếm 12,4% GDP của một quốc gia, cao hơn Mỹ tại bất kỳ thời điểm nào trong 30 năm qua.
Tuy nhiên, hàng hóa trao đổi với Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng có giá trị thấp, trong khi hàng hóa của Mỹ có giá trị cao hơn. Mặc dù các công ty Trung Quốc tích cực đầu tư ra nước ngoài và sử dụng hàng ngàn lao động ngoại quốc, song họ vẫn “tụt hậu” so với Mỹ trong việc xây dựng những liên minh toàn cầu và áp dụng các công nghệ mới. Thế cạnh tranh của Trung Quốc vẫn là chi phí sản xuất rẻ. Trong khi đó, Mỹ là trung tâm của thế giới về công nghệ xe hơi, hàng không vũ trụ, máy tính, y học, vũ khí, tài chính và dược phẩm. Đơn giản nhất như chế tạo xe hơi, đến nay Trung Quốc vẫn chưa thể sản xuất một chiếc xe nào đáp ứng được tiêu chuẩn về khí thải của Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ.
Đỗ Cao