Luồng mới cho tàu lớn vào sông Hậu - Nên hình nên dáng

Mênh mông nước ở kênh mới
Luồng mới cho tàu lớn vào sông Hậu - Nên hình nên dáng

Hơn một năm sau lễ khởi công xây dựng luồng mới cho tàu lớn vào sông Hậu, huyện Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh - nơi dự án được triển khai quy mô nhất, đã chuyển mình thấy rõ. Cuộc sống nơi đây sôi động hơn… với dân cư từ nhiều nơi tụ về.

Mênh mông nước ở kênh mới

Làm luồng mới cho tàu lớn vào sông Hậu không chỉ là một dự án “trọng điểm quốc gia” mà còn là ước mơ “lên đời” của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Là một vùng đất giàu sản vật nhưng muốn giao lưu hàng hóa với nước ngoài, 70% - 80% lượng hàng hóa của miền Tây Nam bộ phải đưa lên và làm thủ tục xuất ở các cảng biển của TPHCM. Đường xa, vừa mất thời gian vừa thêm chi phí, hàng hóa từ miền Tây trở nên kém cạnh tranh hơn so với một số hàng hóa cùng loại trong khu vực.

Trong lễ khởi công xây dựng cách nay hơn một năm, “nỗi niềm” này đã được đại diện người dân ở đây bày tỏ và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ khi ông khẳng định: “Đây là nhiệm vụ chính trị của Chính phủ và phải được thực hiện với chất lượng tốt nhất”.

Tàu của các nhà thầu hút đất, cát trên kênh mới.

Tàu của các nhà thầu hút đất, cát trên kênh mới.

Theo Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Kỹ thuật Biển (Portcoast) - đơn vị cùng Tập đoàn Nippon Koei (Nhật Bản) làm tư vấn thiết kế cho dự án luồng mới cho tàu lớn vào sông Hậu, công việc quan trọng nhất của dự án là đào một kênh mới dài khoảng 9 km nối từ kênh Quan Chánh Bố hiện hữu ra biển. Tàu lớn từ biển sẽ theo kênh mới này qua kênh Quan Chánh Bố để vào sông Hậu. Ngay tại cửa biển, nơi con kênh mới trổ ra, theo thiết kế ban đầu sẽ có 2 đê chắn sóng, mỗi đê dài hơn 2,5km để chắn sóng và ngăn sa bồi cửa kênh. Tuy nhiên, hiện nay thiết kế đã được điều chỉnh theo hướng con đê ở phía Bắc của kênh sẽ được làm dài thêm 1,2km để bảo vệ luôn cho 3 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đang được triển khai xây dựng song song với luồng tàu biển mới ở vùng đất này.

Đã quá 3 giờ chiều, nhưng nắng ở Duyên Hải vẫn gay gắt… Cùng chúng tôi đi thăm công trường thi công kênh mới là các cán bộ của tư vấn Portcoast và Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam - một trong những nhà thầu chính của dự án. Đưa chúng tôi đi bây giờ không phải là những chiếc ô tô như hơn một năm trước mà là một chiếc thuyền bằng sắt nặng nề - công cụ thi công của các nhà thầu. Cả một biển nước mở ra trước mắt chúng tôi… đâu đó vài chiếc thuyền ba lá của người dân neo lại buông lưới bắt cá…

Anh Phạm Hoàng Đoan, kỹ sư của nhà thầu - Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam, cho biết, kênh mới rộng hơn 210m và hiện đơn vị đã đào được gần 4/9km chiều dài của kênh. Độ sâu vào lúc con nước lên cao nhất vào khoảng 10m, hoàn toàn đảm bảo cho tàu trọng tải 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào.

Với tư cách là tư vấn thiết kế đồng thời là tư vấn giám sát, ông Trần Văn Tư, điều phối viên dự án của tư vấn Portcoast, giải thích thêm, luồng tàu biển hiện hữu ra vào sông Hậu, đi bằng cửa Định An thường xuyên bị sa bồi nên chỉ có thể cho tàu dưới 5.000 tấn lưu thông. Kênh mới được đào theo một phương thức khá tiên tiến: dùng ống hút, rà đi rà lại dưới lòng kênh và hút xoáy rất mạnh đất đá để đưa lên bờ nên tiến độ thi công rất nhanh. Đặc biệt là khi nhà thầu tập trung tới 12 máy hút đến làm việc liên tục tại công trường. Đưa tay chỉ về hướng các thuyền bắt cá của dân, kỹ sư Đỗ Nguyễn Chi, chuyên gia kỹ thuật của tư vấn Portcoast, cho biết: Các kênh mới đi qua khá nhiều con lạch nhỏ nên kênh đào đến đâu nước và tôm, cá theo lạch tràn vào tới đó. Thấy có cá, tôm nên người dân đã đến…

Xẻ quốc lộ, làm bờ kè

Đi thuyền được hơn nửa tiếng, chúng tôi buộc phải lên bờ do kênh bị cắt ngang bởi quốc lộ 53. Ông Nguyễn Văn Tư cho biết, sẽ phải “xẻ” quốc lộ 53 để kênh mới được thông dòng, thuận tiện cho tàu bè đi lại và việc này sẽ được thực hiện trong những tháng tới.

Ông Nguyễn Văn Tư cũng “bật mí”, thoạt đầu, các tư vấn tính đến khả năng làm một cây cầu thay cho đoạn đường bị cắt đi nhưng cân nhắc lại thì không kinh tế bởi Quốc lộ 53 chỉ còn đi đến một vài xã cuối cùng của huyện Duyên Hải. Làm cầu mà tĩnh không đủ để tàu lớn có thể đi qua đòi hỏi chi phí xây dựng rất cao trong khi đó lưu lượng xe qua đây rất ít. Dùng phà là giải pháp cuối cùng mà các tư vấn đề xuất. “Sau này khi kinh tế đất nước phát triển mạnh hơn nữa, tiềm lực kinh tế địa phương dồi dào, chúng ta sẽ tính đến việc xây cầu”, ông Nguyễn Văn Tư nói.

Theo Quy hoạch Phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2020, hệ thống cảng biển ở đồng bằng sông Cửu Long trong đó có luồng mới cho tàu lớn vào sông Hậu, có một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển của miền Tây Nam bộ. Đây sẽ là một trong những cụm cảng cửa ngõ của khu vực, đảm nhận phần lớn việc xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển cho đồng bằng sông Cửu Long.

Ở khu vực kênh thông ra biển, công tác thi công chưa được triển khai thế nhưng ở nhiều đoạn, mặt đất đã bị đào xới sâu tới nhiều mét. Chúng tôi đã nghĩ đó là những đầm nuôi tôm của người dân song ông Đỗ Nguyễn Chi cho biết: “Không phải. Các nhà thầu thi công 3 nhà máy điện gần đó biết khu vực này sẽ làm kênh nên tranh thủ đào đất trước để khai thác cát phục vụ cho công tác thi công của mình”.

Công trường thi công các nhà máy điện hoạt động khẩn trương không kém công trường thi công xây dựng kênh mới. Hàng chục máy đóng cọc bê tông đã được dựng lên. Chúng tôi đã tranh thủ hỏi chuyện một vài công nhân đang thi công xây dựng các nhà máy điện và được biết, nơi đây đang rất cần cát để san lấp. Do vậy, việc triển khai đồng thời 2 dự án trọng điểm quốc gia là một sự bổ sung, hỗ trợ cho nhau rất hợp lý.

Để kênh mới đi vào hoạt động, các nhà thầu ở đây còn phải làm một công việc rất quan trọng nữa là… kè bờ. Lúc chúng tôi tới Duyên Hải, hạng mục này chưa được triển khai do các nhà thầu còn đang tập trung cho công tác đào kênh. Tuy nhiên, hiện đã có khoảng 200 công nhân đã được tập trung về đây để sẵn sàng cho công việc sắp tới.

Công tác xây dựng 2 đê chắn sóng đáng lẽ cũng đã được tiến hành song do phải điều chỉnh thiết kế để bảo vệ luôn cho 3 nhà máy điện nên đã chậm lại. Theo Portcoast, dự kiến đến cuối năm nay, hạng mục này sẽ được triển khai thực hiện.

Nếu như cách nay hơn một năm, lúc khởi công xây dựng luồng mới cho tàu lớn vào sông Hậu, cả thị trấn Duyên Hải chỉ có một khách sạn nhỏ, hiếm khi đầy khách thì nay đã có thêm 1 khách sạn cùng nhiều nhà nghỉ mọc lên. Ô tô các loại chở cán bộ kỹ sư ở hai công trường thi công nhà máy điện và kênh mới chạy liên tục, đang làm cho huyện Duyên Hải - huyện ven biển cuối cùng của tỉnh Trà Vinh “thay da đổi thịt” từng ngày.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục