Quốc hội vừa thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong đó có quy định về tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay với mức lương tối thiểu vùng, được áp dụng cho khối doanh nghiệp từ 1,4 triệu đồng đến 2 triệu đồng (tùy vùng) và mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức là 1,05 triệu đồng (từ tháng 5-2012) thì chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu.
Về phía doanh nghiệp, theo khảo sát thì mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Riêng với mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức trong khối hành chính, sự nghiệp thì tỷ lệ này còn thấp hơn. Trên thực tế, đã 7 lần điều chỉnh lương tối thiểu nhưng cũng chưa đủ để bù tiền trượt giá các mặt hàng thiết yếu nên đời sống người lao động hết sức chật vật. Mặt khác, tiền lương hiện nay được tính một cách máy móc bằng hệ thống thang bảng cứng nhắc, cào bằng, không chỉ không khuyến khích cán bộ làm việc, không hút được người tài và giữ chân được cán bộ, công chức.
Trong khi đó, các khoản phụ cấp lương ở nước ta có xu hướng ngày càng mở rộng và dàn trải ra nhiều ngành, lĩnh vực. Hiện có 16 loại phụ cấp lương khác nhau, trong đó có 3 loại được bổ sung về sau và đang có 21 ngành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo ngành, nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp đặc thù. Đây là một thực tế không có lợi cho người lao động vì đa phần chủ sử dụng lao động chỉ đóng BHXH, BHYT… căn cứ trên mức lương (không tính các khoản phụ cấp) nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ mức lương hưu sau này.
Mức lương tối thiểu dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội… giai đoạn 2013-2020, theo đề xuất của Bộ Nội vụ, sẽ có ba phương án gồm: Phương án thứ nhất được tính toán dựa trên cơ sở mức tăng lương tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng I của khu vực doanh nghiệp (2 triệu đồng/tháng). Phương án thứ hai quy định lương tối thiểu bằng mức bình quân mức lương tối thiểu cả 4 vùng của khu vực doanh nghiệp (khoảng 1,68 triệu đồng/tháng). Phương án thứ ba là xác định nhu cầu của người lao động bằng mức chi tiêu bình quân đầu người của cả nước (khoảng 3,15 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, với sự lựa chọn phương án nào đi nữa thì người lao động cũng chỉ mong đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Mà để đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì giá cả hàng tiêu dùng phải được bình ổn, tránh tình trạng lương chạy theo giá, lương chưa tăng giá đã tăng… Hy vọng sau khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) chính thức có hiệu lực trong năm 2013 sẽ đáp ứng thực tiễn cuộc sống đặt ra và theo đúng lộ trình đến năm 2015, lương tối thiểu sẽ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Hồ Thu