Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Ánh sáng đẹp của cuộc đời

30 năm qua, ký ức về 2 cố tác giả tài danh Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh vẫn còn lưu lại trong lòng bạn bè, công chúng những điều đẹp. Hôm nay 29-8, đã tròn 30 năm ngày Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mãi mãi đi xa.
Chương trình nghệ thuật tưởng nhớ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Chương trình nghệ thuật tưởng nhớ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

30 năm qua, ký ức về 2 cố tác giả tài danh Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh vẫn còn lưu lại trong lòng bạn bè, công chúng những điều đẹp. Cuộc đời Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh dù ngắn ngủi, ngoài khối lượng tác phẩm đồ sộ để lại, thì câu chuyện tình yêu của họ cũng là một nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ khán giả. Hôm nay 29-8, đã tròn 30 năm ngày Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mãi mãi đi xa.

Tưởng nhớ con người tài hoa

Trong những ngày này, rất nhiều hoạt động tưởng nhớ gia đình nghệ sĩ tài danh này đã được tổ chức. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: “Gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh là “danh gia vọng tộc” về văn chương. Lưu Quang Vũ hình thành nhân cách, tài năng từ sớm và anh đã có nhiều cống hiến cho văn thơ chống Mỹ. Thơ của anh có chiều sâu văn hóa. Lưu Quang Vũ còn là tác giả của “gia tài” đồ sộ hơn 50 vở kịch”. Riêng về Xuân Quỳnh, nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu: “Chị có hai yếu tố rất đáng khâm phục, đó là bản năng và nghị lực. Nhờ những yếu tố này mà thơ chị rất tự nhiên, hiện đại, nhiều cảm xúc”. Họ là hai cây bút tiêu biểu của thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Dễ nhận ra tinh thần yêu nước của hai nhà thơ qua những ngôn từ độc đáo, giản dị, chân thành, phản ánh tâm trạng chung của nhân dân thời kỳ chống Mỹ. “Thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đã vượt qua mọi giới hạn, chạm vào tận đáy tâm hồn, cảm xúc của người đọc”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực sân khấu, những dấu ấn, sức ảnh hưởng của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ sau 30 năm vẫn còn nguyên vẹn. Nhớ về người nghệ sĩ tài hoa này, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, chia sẻ: “Cuộc đời và tác phẩm của Lưu Quang Vũ luôn được bạn bè trong giới văn nghệ, người đọc, người xem đón nhận với vị trí rất trang trọng”. Kịch của Lưu Quang Vũ đầy ắp tính triết lý nhưng cũng rất nhân văn, luôn hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ và mang hơi thở thời đại. Khán giả đến với sân khấu, với kịch Lưu Quang Vũ những năm 1980, đêm nào cũng kín rạp, vì kịch của ông luôn hướng tới cái đẹp, cái cao thượng, là niềm khát khao cải tạo xã hội, đề cao phẩm giá con người dám nghĩ, dám làm để hoàn thiện hơn trong cuộc sống. Kịch của ông luôn đề cập đến những vấn đề bức thiết của xã hội, phản ánh được những vấn đề thời sự nóng bỏng, đến những mâu thuẫn xung đột của xã hội trong thời kỳ “chuyển dạ” của cơ chế. Lưu Quang Vũ đã biết nhân cách hóa những chi tiết trong đời thường để trở thành những trò diễn hấp dẫn, tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật mang tính khái quát điển hình, vươn tới ý nghĩa thời đại. “Cho đến hôm nay, sau hơn 30 năm, có thể khẳng định Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch có số lượng tác phẩm gây chấn động dư luận nhất của Việt Nam. Sau sự ra đi đột ngột của “hiện tượng Lưu Quang Vũ”, sân khấu Việt Nam vẫn chưa có tác giả nào bù đắp được khoảng trống mà ông để lại. Nhưng chúng ta vẫn có Vũ ở bên mình. Lịch sử sân khấu Việt Nam sẽ dành những trang đẹp nhất để nói về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ”, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

Để lại những điều tốt đẹp

NSND, họa sĩ Doãn Châu, người ngồi trên chuyến xe định mệnh ngày 29-8-1988 cùng gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh chia sẻ, trong suốt 30 năm qua, ông luôn tránh nhắc về những kỷ niệm đau buồn. Tuy vậy, ông luôn khắc khoải về lời động viên của người bạn thân trong cuộc trò chuyện đêm trước khi tai nạn xảy ra: “Bằng mọi giá chúng mình phải quyết tâm làm tất cả những điều tốt đẹp cho cuộc đời này, dù vất vả đến mấy”. NSND Doãn Châu nhớ lại, trong chuyến đi ấy, họ đã tâm sự với nhau rất nhiều về cuộc sống riêng tư lẫn công việc và triết lý sống bên bãi biển Đồ Sơn. Ngày trở về thủ đô, xe chở hai gia đình gặp nạn. Cả nhà Lưu Quang Vũ qua đời còn gia đình Doãn Châu may mắn sống sót. Họa sĩ cũng là người chứng kiến vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh khi đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết vẫn nắm chặt tay nhau. 

NSND Hoàng Dũng cho rằng, sự ra đi của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ trong vụ tai nạn thảm khốc 30 năm trước đó là một ký ức bàng hoàng và hụt hẫng: “Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên được. Tôi còn nhớ, cả buổi chiều ngày 29-8 hôm đó, chúng tôi thẫn thờ như người mất hồn. Ai cũng như đứng trên đống lửa vì không được xuống Hải Dương đón anh chị về. Khi nghe tin anh chị cùng cháu Lưu Quỳnh Thơ được đưa về Nhà tang lễ Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi chạy đến, ai cũng xót xa, đau đớn. Phải nói rằng, lúc đó, không khí tang thương bao trùm lên khắp nơi, nhất là đối với giới sân khấu - văn nghệ sĩ”.

“Chúng ta nhắc nhiều đến Lưu Quang Vũ bởi chúng ta thiếu ông, và khát khao có ông. Bao nhiêu năm mới sinh ra một tài năng như thế? Vì chúng ta thiếu nên chúng ta càng nhớ và càng ước ao Lưu Quang Vũ hiện diện trong đời sống, không chỉ bởi tính dự báo mà đôi khi nương náu trong nỗi nhớ ấy để an ủi, giải quyết thực tại bộn bề trong xã hội bằng sức sống những vần thơ, câu thoại đầy trí tuệ của ông”, nhà thơ Vi Thùy Linh chia sẻ. Còn Xuân Quỳnh, bà đã để lại trong lòng của công chúng bởi trái tim rộng lớn và bao dung. “Không phải ngẫu nhiên Xuân Quỳnh được mệnh danh là “Nữ hoàng của thi ca và tình yêu”. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng vọng của một tâm hồn rộng mở, yêu thương được thể hiện cả trong cuộc sống và khắc họa rõ nét trong thi ca. Sức sống của Xuân Quỳnh không phải từ những công trình, những cuốn sách giáo khoa; không phải từ những bài thơ được phổ nhạc đã trở nên nổi tiếng, mà bởi tình yêu lớn trong trái tim của bà”, nữ nhà thơ này nhấn mạnh.

Vượt lên trên những buồn đau mất mát, 30 năm qua, gia đình, bạn bè và những người yêu nghệ thuật vẫn luôn nhớ đến Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh vì họ đã để lại cho chúng ta những viên ngọc thật. Ở đó, luôn nhìn thấy những ánh sáng óng ánh, nó mách bảo cho chúng ta những điều tốt đẹp của cuộc đời…

Tin cùng chuyên mục