Có một nhà phê bình đã ví von lý luận phê bình văn học nghệ thuật (LLPB VHNT) Việt Nam nhiều năm qua giống như chiếc roi ngựa. Con ngựa sáng tác đi lạc đường thì nó quất cho đi đúng lại, con ngựa đi chậm thì quất cho đi nhanh và nếu nhanh thì quất cho chậm lại. Điều này cũng không sai nhưng nếu cứ là chiếc roi ngựa thì mãi mãi chỉ theo sau con ngựa, là công cụ để sửa sai, điều chỉnh.
Ở các nước tiên tiến, LLPB VHNT có một vai trò rất quan trọng đó là khai phá và mở đường, góp phần khơi gợi, khuyến khích sự sáng tạo của các văn nghệ sĩ chứ không chỉ là cây roi để chăm chăm trừng phạt các sai lầm, lạc lối.
Thực tế đã có rất nhiều tác phẩm được tác giả nung nấu, thai nghén bao công sức cho đến khi chào đời, nhưng vừa xuất hiện đã bị các nhà phê bình công kích, phê phán nặng nề dẫn đến tác phẩm bị loại bỏ khỏi đời sống văn học. Các nhà phê bình phần lớn là những cây bút giỏi, phê phán của họ hoàn toàn chính xác và đúng đắn. Vấn đề ở chỗ giá mà trước đó có các bài viết LLPB về những khuynh hướng sáng tác mới, về những điều cần tránh trong sáng tác thì hẳn đã giúp cho các tác giả có cái nhìn, có sự lựa chọn hay cả sự chuẩn bị trước cho những sáng tác của mình để tránh khỏi những mâu thuẫn, những khiếm khuyết hay lệch chuẩn.
Hiện nay, LLPB chỉ có thể xuất hiện với đông đảo bạn đọc khi đã có tác phẩm. Khi đó, LLPB chỉ còn đóng vai trò giải mã, khám phá những giá trị, những vấn đề của tác phẩm, còn vai trò khai mở, định hướng thì hầu như ít được chú ý. Sự thiếu quan tâm này dần dần dẫn đến một thực trạng là người ta có lúc quên vai trò đó của LLPB, xem các nhà phê bình như một dạng viên chức gác cửa, một thẩm phán chuyên phán xét các tác phẩm sau khi nó đã hình thành. Chính điều này làm nảy sinh một vấn đề khá phổ biến là sự mâu thuẫn giữa nhà phê bình và các tác giả. Sự mâu thuẫn này dần dần dẫn đến một tình trạng tiêu cực khác là sự e ngại, sợ mất lòng nhau khiến cho nhà phê bình không thể viết thoải mái, khách quan. Ở hướng ngược lại, người sáng tác có tâm lý không chấp nhận những gì mà nhà phê bình nhận xét không tốt về tác phẩm của mình. Mâu thuẫn này không phải là không có trong những nền phê bình cân đối nhưng ở đó, việc phê phán chỉ là một phần trong đời sống của nhà LLPB, không phải là toàn bộ hoạt động của họ.
LLPB được cho là giữ vai trò đồng hành và có thể đi trước quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ. Quá trình này bao gồm các giai đoạn từ ý tưởng, thể hiện đến giới thiệu ra công chúng. Hiện nay LLPB trong nước mới chỉ đồng hành ở giai đoạn cuối cùng của sáng tác.
Trong dịp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII vừa qua cho thấy, mảng LLPB dù được đánh giá có nhiều bước tiến nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Đội ngũ LLPB còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Trong điều kiện đó, việc đảm bảo LLPB có thể đồng hành thực sự, thậm chí là dẫn dắt người sáng tác vẫn còn quá xa vời.
Một vấn đề quan trọng khác là sự nhìn nhận về vai trò của LLPB trong hệ thống truyền thông hiện nay. Ngoại trừ ở một số tạp chí chuyên ngành, ở hầu hết các các ấn phẩm truyền thông phổ biến khác, từ báo giấy, điện tử, đến truyền hình, phát thanh, LLPB thường chỉ được nhớ đến khi cần để xem xét, đánh giá một tác phẩm đã được phổ biến và nhận được các nhận xét trái chiều của bạn đọc, khán giả… Chính cách nhìn nhận này đã góp phần khiến cho công tác LLPB ngày càng thiên về hướng giải quyết việc đã rồi theo kiểu “Mất bò mới lo làm chuồng” hơn là mang tính cảnh báo, gợi mở, kích thích sáng tác, một chức năng quan trọng của LLPB.
Trong kỷ nguyên mới, sáng tác, phổ biến tác phẩm VHNT đang ngày càng trở nên đơn giản, dẫn đến việc các tác phẩm mới ngày càng nhiều và đa dạng hơn. Nếu cứ mãi làm người đến sau, LLPB sẽ không thể hoàn thành vai trò và nhiệm vụ cơ bản của mình là làm người bạn đồng hành, soi đường đưa VHNT phát triển lên những tầm cao mới.
TƯỜNG VY