Má Chung “lá chắn”

Sáng nào cũng vậy, bà Lê Kim Chung (64 tuổi, tổ trưởng bảo vệ khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng mặc trang phục bảo vệ dân phố, đeo bộ đàm, đi vòng vòng khắp khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh. Thấy ai xả rác, bà nhắc; thấy ai đánh nhau, bà chạy lại can; thấy cướp, bà đuổi theo bắt. Trộm cướp, hút chích… chưa có đối tượng nào làm bà chùn chân sợ hãi. Mấy cậu thanh niên từng hư hỏng được bà cảm hóa đều gọi bà là “má Chung”.
Bà Chung động viên, chia sẻ với Dương Văn Nhật như người thân trong gia đình
Bà Chung động viên, chia sẻ với Dương Văn Nhật như người thân trong gia đình

Giữ bình yên khu phố

Một người phụ nữ bán vé số trong hẻm vừa bị giật hơn 100 tờ vé số cùng túi tiền. Đang ngồi trong nhà xem tivi sau khi hết ca trực, nghe tiếng kêu thất thanh của nạn nhân, nhìn ra thấy một thanh niên đang co giò bỏ chạy, bà Chung vội vàng chạy ra, nhảy lên một chiếc xe ôm, lao theo tên cướp. Không quá khó khăn, bà đuổi kịp khi hắn lẩn vào một bệnh viện gần đó. Chạy đến đứng trước mặt, tay giật khẩu trang của kẻ cướp, bà đanh giọng: “Mày giật vé số, giật tiền người ta, không cãi được!”. Tên cướp mặt mày xám ngắt, ngoan ngoãn theo bà Chung về trụ sở công an phường. 

Và điều không ngờ là mấy năm sau, một ngày nọ kẻ cướp giật bị bà Chung bắt đã quay lại cuộc sống đời thường tại địa phương, chạy xe lại trạm gác khu phố 6 để chào bà Chung, xin phép được gọi bà là “má Chung”. Hai “má con” cứ thế tỉ tê chia sẻ. Cậu thanh niên cười thiệt thà, nói với bà: “Nói thật, hồi đó con đi giật đồ người ta, bị má bắt, con không oán trách gì má đâu. Nếu con không bị bắt thì có khi bây giờ con còn gây ra chuyện phạm pháp lớn hơn. Má nghĩ coi, bị hành hạ bởi cơn nghiện thuốc phiện, thì biết đâu con cũng đi giết người cướp của, hẳn đã hủy hoại hết cuộc đời mình”.  

Cũng như cậu thanh niên trong câu chuyện vừa kể, Dương Văn Nhật từng ăn chơi lêu lổng, theo đám bạn hút chích rồi dính luôn vào ma túy. Sau khi Nhật  bị bắt, đi trại cai nghiện về, bị mọi người xa lánh, bà Chung đã ân cần an ủi, cho gạo, hỗ trợ các thứ, rồi dẫn đi uống methadone định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Giờ Nhật khác rồi, không còn lêu lổng, ngáp dài ngáp ngắn như xưa, ở nhà ngoan ngoãn phụ giúp gia đình.

Mấy chục năm gắn bó với khu phố 6, giờ bà Chung nhận nhiều nhiệm vụ: tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố khu phố 6, tổ trưởng tổ phụ nữ kiêm tổ trưởng tổ dân phố 70, đội phó Đội cán sự xã hội tình nguyện phường 3, chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Lá chắn, chủ nhiệm CLB Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội phường 3, chi hội trưởng Khuyến học khu phố 6… Là người xông xáo, tích cực tham gia công tác tuần tra canh gác, bà vẫn cùng các anh em trong tổ bảo vệ dân phố rảo khắp các con hẻm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm pháp, quyết bắt bằng được những đối tượng buôn bán ma túy, trộm cắp, cướp giật, góp phần giữ gìn bình yên khu phố. Không những vậy, bà thường xuyên hỏi han và đối xử ân cần như một người mẹ, người chị đối với các đối tượng quậy phá, nghiện ngập. Ngày như đêm, bà tất bật với những công việc không tên. Lo nhập hộ khẩu và thủ tục đưa các bạn trẻ đi cai nghiện hoặc uống methadone cắt cơn tại địa phương. Những người hồi gia được bà hỗ trợ học nghề, tìm công việc làm để ổn định cuộc sống, lập gia đình. Bà còn giúp đỡ các gia đình ngoài CLB bằng cách giúp vốn, giới thiệu việc làm, tặng xe máy để chạy xe ôm và hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm hàng tháng.

Bà Chung trở thành bảo vệ dân phố từ một câu chuyện đau lòng của chính gia đình: con trai lớn bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập và mất khi mới 15 tuổi. Mất con, hiểu được nỗi đau của những gia đình có con nghiện ngập, đầu năm 2005, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 3 thành lập CLB Lá Chắn, bà trở thành chủ nhiệm. CLB là mô hình tập hợp các phụ huynh có chung một nỗi đau có con em vướng vào tệ nạn ma túy. Đã 13 năm qua, mỗi lần CLB họp định kỳ, bà và nhiều người cùng lo nội dung để phổ biến kiến thức, kỹ năng cho những gia đình có người thân sa vào ma túy. Bánh trái, trà nước gì bà cũng lo tất tần tật. Lúc đầu thành lập, có tới 50 thành viên, bởi thời điểm đó có rất nhiều con nghiện, hút chích. Bây giờ vắng lắm, còn chừng chục người. Khu phố dần dần không còn tệ nạn nữa.

Khi nói về hành trình làm “lá chắn” suốt hơn 13 năm qua, giọng bà Chung quả quyết: “Tui mong những gia đình có con em lỡ sa chân vào ma túy rộng mở vòng tay, dẫn dắt con em mình trở về, chứ đừng xua đuổi. Việc xa lánh không mang lại kết quả nào, mà chỉ đẩy con em vào ngõ cụt. Ma túy là án tử hình treo lơ lửng, nếu cha mẹ không quan tâm con cái, rất dễ để con rơi vào hiểm họa đó”.

“Mình ăn hôm nay một miếng ngon thì cũng nghĩ đến người khác, thiếu thốn hơn mình. Tôi tiết kiệm tiền sắm sửa để mua gạo, mua quà giúp bà con nghèo khó, cứ thấy ai hoàn cảnh đáng thương là tui cho. Để tiền chi!” - bà Chung nói, giọng đầy nghĩa tình, khí khái vậy đó.
Nhiệt tâm giúp người khó khăn


Trạm bảo vệ dân phố khu phố 6 nằm ở hẻm 136 Vạn Kiếp, là nơi làm việc của bà Chung và đồng nghiệp; cũng là nơi sau giờ làm, bà phát gạo, phát quà giúp bà con khó khăn. Ai khó, tới tìm, bà cũng giúp. Có người còn bảo: “Bả bao đồng lắm! Không chỉ giúp bà con nghèo ở khu phố này, mà hẻm trên, xóm dưới hay tận khu phố bên, quận bên, biết có người nào khó khăn là bả tự động bắt xe ôm, mang theo 20 ký gạo; một túi mắm muối, đường, bột ngọt, dầu ăn, bánh kẹo, mấy đòn chả… đem cho người ta”. Mới đây, nghe tin chị N.T.L. (quận Gò Vấp, TPHCM) làm nghề bán vé số gặp khó khăn, chồng bỏ, có tới 11 người con mà lúc đi ngủ phải điểm danh… vậy là bà Chung thuê xe chở gạo, chở quà đem cho. Rồi nghe học viên sau cai nghiện tận quận 12 gặp khó khăn, cũng thuê xe ôm chở quà lên tận nơi. 

Mười mấy năm qua, bà Chung vẫn tiếp tục lo việc chung với sự tình nguyện nhiệt thành, dù tiền trợ cấp chẳng là bao. Bà nói: “Tôi quen rồi. Giờ ngồi một chỗ không yên. Phải làm thôi. Nếu ích kỷ, không biết giúp ai, không biết cho ai thì cuộc sống thực sự rất buồn chán”. Nhiệt tình và có uy tín với bà con khu phố, nên có nhiều lần, trong vai trò là chi hội trưởng Khuyến học khu phố 6, bà kêu gọi ủng hộ khuyến học là bà con ủng hộ ngay. Đi ngang tiệm hóa của cô Lê Thị Sâm trong khu phố 6, bà Chung vui vẻ hỏi: “Bà có theo “băng nhóm” của tui không?”. Cô Chín cười cười, hỏi lại: “Băng nhóm của bà là gì vậy? Hay thì tui theo!”. “Ờ thì “băng nhóm” chuyên hùn tiền mua sách vở, cho tiền tụi con nít nghèo trong khu phố đi học nè!”. Nghe bà Chung nói vậy, cô Sâm đưa luôn 100.000 đồng ủng hộ. Mà đâu phải riêng mình cô Sâm, nhiều người còn ra trạm bảo vệ tìm bà Chung, để “đóng tiền ủng hộ sắp nhỏ đi học”.

Tin cùng chuyên mục