Người Ma Coong sống dưới rặng rừng già giáp Lào thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình). 18 bản làng của họ được lập nên xã Thượng Trạch dưới chân đèo Phu La Nhích. Bao mùa tết trước khó khăn thì mùa tết năm nay nhà ai cũng nói vui. Bởi lúa rẫy được mùa, lòng người đoàn kết, chăn nuôi phát triển.
1. Ma Coong là tộc người nhỏ bé với khoảng 3.000 người ở Thượng Trạch, họ có anh em bà con ruột thịt phía bên kia đèo Phu La Nhích đất bạn Lào. Cách người Ma Coong sinh sống thường chọn nơi có cây A Loang Ma Kẹo. Cái cây cao vút, sừng sững, cổ thụ, thân cây xù xì xưa như những cánh rừng ẩn sâu dưới núi đá vôi của khu vực này. Aray lắp (xưa lắm rồi) khi người Ma Coong đi tìm nơi dựng bản, ngang suối Cấm thấy cây cối xanh tươi, những người tiên phong Ma Coong cắm gậy xuống vùng đất cổ Cà Roòng, bất giác đất biến gậy thành cây A Loang Ma Kẹo lớn nhanh như thổi như minh chứng cho mảnh đất hiền lành, nuôi sống con người. Hoa của loài cây này đến mùa nở tháng 3 đỏ rực, đi đến đỉnh đồi nào cũng thấy chúng nở bung ở đầu bản, năm đó an lành cho cả mọi người. Đồng bào ở đây giải thích, A Loang Ma Kẹo tương tự loài hoa gạo của miền xuôi, nhưng màu đậm hơn và mùi hương khác hẳn.
Bản làng Ma Coong mừng tết vui
Họ đón tết như người miền xuôi, nhưng tết của họ kéo dài đến lễ hội đập trống vào tháng Giêng hàng năm. Rượu cần từ lúa rẫy được làm sẵn trong năm để đến tết lại đưa ra mời bản làng chung vui. Chiếc bánh truyền thống của họ là Tapeng Aray được gói bằng nếp nương có hình vuông, biểu hiện nhân sinh quan và thế giới quan sơ khai của tộc người này là trời đất hình hài đó. Chiếc bánh theo già làng Đinh Mỳ: “Là tình thủy chung với tổ tiên, sự biết ơn với A Loang Ma Kẹo, điều kính nhớ những người uy tín trong bản”. Một truyền ngôn khác ở 18 bản đồng bào Ma Coong rằng: “Tổ tiên họ có người con trai tên Đinh, con gái tên Y, hai người sinh ra từ đất và trời. Họ yêu nhau, thắm thiết như chim trên núi, chung thủy như cá dưới suối. Hai người đến với nhau, Giàng nói phải có lễ vật. Người con trai và người con gái cùng suy nghĩ, họ không có thổ sản quý hiếm, chỉ có chiếc bánh vuông là cái quý của gia tài lao động. Họ gặp nhau trong thung lũng, Đinh đưa ra sản vật cầu hôn, Y đáp lại lễ vật của mình, ráp vào nhau, một khuôn y hệt. Từ đó họ sinh con đẻ cái, làm cái Tapeng Aray mỗi mùa lễ trọng và dạy con cháu biết thủy chung, thương yêu để nhớ về tổ tiên”.
2. Mùa tết năm nay, đi khắp bản làng người Ma Coong, ai cũng kể cái tết ấm áp nhất, được mùa nhất, đủ đầy nhất, vui vẻ nhất, thành ý nhất. Tất cả đều nằm ở việc cái lúa nước cùng nương lúa rẫy được mùa ở khắp 18 bản làng dưới đèo Phu La Nhích. Vào căn nhà của Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, người uy tín bậc nhất cả tinh thần lẫn tư cách cán bộ địa phương, thấy cơm ấm đầy nồi, gạo đầy bao, lúa sẵn trong bồ. Hỏi ra Đinh Hợp kể: “Năm nay cái lúa rẫy trên nương sống được, rẫy bà con rộng mênh mông, rồi mô hình lúa nước bộ đội biên phòng giúp sức được mùa lắm”. Đi một vòng các bản, sự được mùa càng thêm chứng thực. Ở bản 51, Đinh Tươi khoe: “Nhà mình vừa thu hoạch xong 100 bao lúa, mỗi bao 41kg là nhất xã, mình vừa được lãnh đạo tặng giấy khen chăm lo sản xuất”. Đinh Ngu góp chuyện: “Năm nay rẫy tốt, cứ trung bình mỗi nhà có 50 - 60 bao lúa, không lo đói giáp hạt”. Nghe vậy, chị Y Bui nói thêm: “Mọi năm, cứ dịp trước và sau tết là quãng thời gian khó khăn nhất với người Ma Coong, bà con phải trông chờ vào gạo cứu trợ. Nhưng năm nay thì khác, được mùa to nên bà con có gạo cất trữ. Tết này vui nhất rồi”.
3. Người Ma Coong không chỉ hào hoa với khách khứa phương xa mà họ còn cùng dìu nhau vượt qua khó khăn. Những mùa rẫy không bội thu, nhà nào hết gạo, hết lúa thì nhà còn gạo còn lúa sớt sẻ từng năm. Đinh Ngu kể: “Bà con thu hoạch rẫy cũng dựng cái lán để lúa trên nương. Ai nghèo không làm được cứ đến nói cần gạo là ra đó lấy. Khi nhà mình cũng ăn hết mà nhà khác có thì được chia như thế nên bà con ai cũng đùm bọc nhau”.
Ngày trước, muốn lên với anh em Ma Coong phải đi con đường 20 - Quyết Thắng xấu nhất nước với thân hình ê ẩm đến một ngày trời giữa rừng mới chạm đất Thượng Trạch. Một năm trở lại đây, đường 20 - Quyết Thắng được thảm bê tông toàn tuyến, sát đèo Phu La Nhích, ô tô đã về được trung tâm bản. Vì thế, dưới ánh mắt của Đinh Hợp và nhiều đồng bào Ma Coong khác, con đường êm đẹp này không chỉ tạo mùa tết vui mà còn tạo nhiều cơ hội làm ăn với miền xuôi. “Trước đây đường còn xấu, con bò chỉ bán được 5 triệu đồng, từ ngày con đường đẹp ra, một con bò vọt lên 15 - 20 triệu đồng rồi. Rứa là đổi đời rồi cán bộ ạ”, Đinh Hợp thổ lộ.
Trước khi về lại miền xuôi, Đinh Hợp cầm tay tôi lắc lắc: “Tết này bà con ăn tết vui nhất, to nhất. Có con đường rồi thì năm sau, năm sau nữa đổi đời là cái chắc, dần dần thoát nghèo. 5 năm nữa nhà báo trở lại, chắc chắn ở đây đổi thay nhiều nữa”. Tôi tin điều đó, bởi người Ma Coong chắc chắn như cây A Loang Ma Kẹo giữa rừng sâu.
MINH PHONG