Bắt đầu từ tháng 6-2012, Bulgaria, quốc gia tiêu thụ thuốc lá nhiều thứ hai ở châu Âu, sau Hy Lạp chính thức áp dụng quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng khép kín. Tuy nhiên, việc này đến nay chưa được áp dụng phổ biến ở nhiều nước. Tờ Le Monde của Pháp đã dành phần chính của mục “Khoa học và công nghệ” cung cấp cho độc giả hồ sơ mật về những cái bắt tay mờ ám vì lợi nhuận, đánh lạc hướng dư luận, khiến họ mất cảnh giác với “kẻ thù” sát bên mình. Ngoài ra, một thông tin gây sốc được American Journal of Public Health, tờ báo uy tín nhất trong lĩnh vực y tế của Mỹ đã hé lộ việc các công ty thuốc lá trong 40 năm qua đã ém nhẹm sự thật thuốc lá có chứa chất phóng xạ Polonium 210.
Lời cảnh báo từ sớm
Bài viết hai kỳ trên tờ Le Monde có tựa đề: “Bí mật của ngành công nghiệp thuốc lá: Những mối liên hệ mờ ám ở Pháp” đã xâu chuỗi những chi tiết quan trọng trong cuộc chiến của ngành công nghiệp thuốc lá trước nguy cơ bị vạch trần về những tác hại đối với những người hút thuốc thụ động.
| |
Ngày 17-1-1981, Tạp chí Y khoa Anh quốc đã công bố những kết quả nghiên cứu dịch tễ học trên diện rộng cho thấy có sự liên hệ mật thiết, rõ ràng giữa hút thuốc lá thụ động (từ khoa học là ETS) với căn bệnh ung thư phổi.
Nghiên cứu trên do bác sĩ Takeshi Hirayama thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư quốc gia Nhật Bản thực hiện, được đánh giá là nghiên cứu khoa học hoàn toàn nghiêm túc, có cơ sở.
Các nhà khoa học tham gia dự án khoa học này đã dành 15 năm theo dõi hơn 91.000 phụ nữ Nhật Bản. Đây là những người không hút thuốc, trên 40 tuổi nhưng phải sống cùng với khói thuốc thải ra từ người chung quanh, đặc biệt là chồng hoặc người yêu mỗi ngày. Kết quả chỉ ra, những người này có nguy cơ mắc chứng ung thư phổi cao hơn nhiều so với những phụ nữ khác.
Sau đó, những năm giữa thập niên 1980, khoảng 30 bang trên toàn nước Mỹ cho rằng có đủ minh chứng khoa học để cấm hút thuốc ở những nơi công cộng. Tuy nhiên, để tránh cho hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, các nhà sản xuất thuốc lá, đặc biệt hãng thuốc lá lớn của Mỹ Philip Morris đã nghĩ ra cách thực hiện một dự án dài hơi, thông qua việc thuê công ty luật Covington & Burling mời những nhà khoa học, bác sĩ, chuyên gia người Pháp không thuộc lĩnh vực khói thuốc đến các buổi hội thảo để bàn về tác động của các loại vật chất trong không khí đến sức khỏe con người. Điều này được đề cập đến trong Tạp chí Sức khỏe công cộng châu Âu năm 2005. Bản cam kết giữa Philip Morris và Covington & Burling cho thương vụ “hợp tác khoa học” này được ghi nhận năm 1989.
Thuốc lá chứa chất phóng xạ
Trong bài viết mới đây đăng trên tờ American Journal of Public Health – tờ báo uy tín nhất về lĩnh vực y tế của Mỹ - có đề cập đến thành phần chất phóng xạ Polonium 210 có trong thuốc lá, đọng lại ở các nhánh phế quản, dẫn đến ung thư. Điều đáng nói, sự thật này đã bị các công ty sản xuất thuốc lá của Mỹ giấu kín gần 50 năm qua.
Polonium 210 có trong thuốc lá do người ta sử dụng phân bón giàu phốt phát khi trồng cây thuốc lá. Loại phân bón này được lấy từ các mỏ apatít – loại đá có chứa radium và polonium. Theo quy định chuẩn quốc tế, Polonium 210 là một chất phóng xạ đặc biệt nguy hiểm, không được dùng trong các hoạt động y tế.
Từ những năm 1960, các nhà sản xuất thuốc lá đã biết thuốc lá của mình nhiễm Polonium 210. Từ năm 1970, họ đã thử nghiệm thành công khi dùng dung môi tẩy các chất phóng xạ khỏi lá thuốc với hiệu quả giảm được 10% - 40% tỷ lệ phóng xạ. Tuy nhiên, cách này cũng làm mất tác dụng của những chất tạo mùi thơm khác của lá thuốc, làm mất mùi đặc trưng gây kích thích người dùng.
Thập niên 1980, Philip Morris đã thành lập phòng thí nghiệm đo mức độ phóng xạ chứa trong các điếu thuốc nhưng sau đó, vì áp lực kinh doanh nên phải đóng cửa các phòng thí nghiệm này. Một trong những cách các hãng sản xuất thuốc lá nghiên cứu được là dùng loại phin lọc chứa tourmaline để lọc chất phóng xạ nhưng do kinh phí quá đắt nên cách này bị gạt sang một bên. Các tài liệu liên quan phần lớn bị hủy để bảo đảm an toàn thông tin cho các tập đoàn.
Kết quả trên có được từ quá trình thu thập thông tin của nhóm nhà khoa học thuộc Mayo Clinic – tổ chức y tế không vì lợi nhuận ở quận Rochester, TP New York, Mỹ - qua 1.500 tài liệu quý báu thu thập được từ các công ty lớn sản xuất thuốc lá, trong đó có Phillip Morris (sở hữu thương hiệu Marlboro), RJ Reynolds (sở hữu Camel), British American Tobacco (sở hữu State Express 555 và Dunhill)…
Tung hỏa mù
4 nhà khoa học người Pháp được chọn là thành phần cốt lõi cho nhóm các nhà khoa học “định hướng” dư luận gồm: bác sĩ thú y André Fave, hai giáo sư sinh học Roland Fritsch và Guy Crépat tại Đại học Burgundy và giáo sư ngành dược Alain Viala của Đại học Marseille...
Trong nội dung bản ghi nhớ giữa Philip Morris và Covington & Burling có nội dung: “Những phát biểu, trích dẫn từ những nhà khoa học tham gia dự án sẽ hướng đến lập luận rằng không có bằng chứng khoa học thuyết phục chứng minh hút thuốc thụ động dẫn đến rủi ro cho người không hút thuốc”.
Ngoài ra, nội dung cam kết sẽ phân tán nghi ngờ rủi ro cho các yếu tố khác có trong không khí. Chính vì thế trong các buổi hội thảo, thuốc lá không phải là chủ đề trung tâm. Chân rết của các tập đoàn thuốc lá lớn đã chi trả và đứng sau điều khiển những buổi hội thảo khoác áo khoa học, với mục đích đưa thông tin gây nhiễu, phân tán sự tập trung và đánh lạc hướng công luận.
Những nhà khoa học được trả tiền để trình bày một loạt nguyên nhân ảnh hưởng đến điều kiện không khí trong nhà như lông các con vật nuôi, nấm mốc, virus, vi trùng… Đây được xem như bình phong che chắn khả năng công luận tiếp cận với những nguồn tin khách quan để tìm hiểu thêm về hút thuốc thụ động. Thậm chí, tham gia những buổi hội thảo này còn có những tên tuổi uy tín như Hiệp hội phòng ô nhiễm không khí (APPA) hay Hội nghiên cứu về độc chất Pháp (SFT).
Một trong những hội thảo “đình đám” thời điểm ấy dưới sự tài trợ của Philip Morris là Hội thảo chuyên đề quốc tế về hút thuốc thụ động do Đại học McGill (Canada) thông qua tài trợ của Viện Phát triển Y tế thế giới (của Anh). Hội thảo còn được tăng thêm uy tín thông qua lời giới thiệu có sự góp mặt của “30 nhà khoa học đến từ 7 quốc gia châu Âu”.
Điều quan trọng, nội dung hội thảo được chọn lọc để trích dẫn trong báo cáo được công bố chính thức sau đó và tác hại của hút thuốc thụ động được nhắc đến với nhận định “là vấn đề còn gây tranh cãi”, “chưa thể kết luận”, “bị gắn thành kiến”… Vì vậy, không có lý do gì phải cấm hút thuốc nơi công cộng!
Cứ như thế, những hội thảo tương tự tiếp tục diễn ra với sự tham gia ngày càng nhiều của các chuyên gia, đến từ những trung tâm nghiên cứu khoa học uy tín của Pháp, trong đó có Trường đào tạo chuyên ngành thú y Toulouse, Đại học Brest… Số tiền chi trả cho những nhân vật trên tùy thuộc vai trò từng người, dao động từ 2.000 đến gần 60.000 EUR tính theo thời điểm bấy giờ. Hầu hết được chi trả thông qua tài khoản được mở ở các ngân hàng Thụy Sĩ.
NHƯ QUỲNH