Mái ấm gia đình

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm nay đúng vào kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 - 28-6-2016) và trùng với Tháng hàng động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Nếu ngày hội Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của mái ấm gia đình Việt Nam, xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình, đề cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc thì Tháng hàng động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức và hành động về bình đẳng giới, góp phần ngăn ngừa bạo lực gia đình, nhất là bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái và người cao tuổi.

Gia đình là tế bào xã hội, là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách con cái ngay từ chào đời cho đến lúc trưởng thành. Gia đình có vai trò góp phần xây dựng, tô thắm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính tầm quan trọng này, cách đây 15 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam, trong đó lấy ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam.

Ngày hội gia đình như nhắc nhở mỗi gia đình luôn chăm lo gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, yêu nguồn cội tổ tiên, có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, sôi nổi để những giá trị truyền thống gia đình Việt luôn tỏa sáng, tạo mối gắn kết và yêu thương lẫn nhau giữa các thành viên gia đình.

Trải qua nhiều thế hệ, những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học đã được các gia đình Việt Nam giữ gìn và phát huy trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, những năm gần đây, sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại đã kéo theo những nhiễu loạn các giá trị gia đình, nó làm lung lay chuẩn mực xã hội, làm giá trị truyền thống gia đình giảm sút, thậm chí có mặt nghiêm trọng như lòng chung thủy, lòng hiếu thảo, tôn sư trọng đạo, tinh thần nhân ái, đùm bọc lẫn nhau. Những sự đổ vỡ của tình thân đó là hậu quả của việc kết nối gia đình lỏng lẻo, tôn ti trật tự bị đảo lộn. Hiện nay, bạo hành gia đình diễn ra khá phổ biến dưới nhiều góc độ khác nhau, có lúc khá nghiêm trọng. Chính vì vậy, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm nay có chủ đề “Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng chống bạo lực gia đình” nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình.

Năm nay, chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam hết sức gần gũi, đơn sơ mà đầy tình thân ái, mang tên “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Chủ đề này như nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình hãy luôn trân trọng những giây phút sum họp của gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình - một biểu hiện của thành quả lao động, là nơi truyền cho nhau hơi ấm gia đình, kết nối tình thân với nhau bên bữa cơm ấm áp gia đình. Trong các gia đình truyền thống, vai trò của người phụ nữ chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Người phụ nữ hội tụ tất cả những phẩm chất cao đẹp, đó là công - dung - ngôn - hạnh và là cầu nối giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng. Phụ nữ còn là người giữ lửa gia đình luôn nồng ấm, hạnh phúc vợ chồng và đặc biệt là giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục, rèn luyện nhân cách của con cái. Một điều ai cũng nhận thấy, gia đình hạnh phúc thì xã hội lành mạnh, gia đình càng giữ được gia phong thì kỷ cương xã hội càng nghiêm minh. Chính vì vậy, muốn có một chuẩn mực đạo đức tốt thì điều trước tiên mỗi thành viên gia đình phải luôn ý thức giáo dục, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức.

Ý nghĩa Ngày Gia đình Việt Nam còn như lời cảnh báo chúng ta cần sống trách nhiệm hơn, tỉnh táo hơn trước những thách thức và hệ lụy trong quan hệ gia đình đang có chiều hướng lệch lạc, diễn biến phức tạp. Theo dự báo của các nhà nghiên cứu xã hội, trong tương lai, gia đình Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi về quy mô, kết cấu, chức năng. Số thanh niên chậm kết hôn, sống độc thân, sống thử trước khi kết hôn hoặc sống chung với nhau mà không kết hôn ngày càng tăng. Hôn nhân không chỉ diễn ra với những người cùng quốc tịch mà hôn nhân xuyên quốc gia diễn ra ngày càng nhiều. Tỷ lệ ly hôn, ly thân ngày càng cao hơn. Quy mô gia đình tiếp tục thu nhỏ lại, xuất hiện nhiều mô hình gia đình chỉ gồm có một người cha hoặc một người mẹ và con cái của họ. Quan hệ đồng giới, ngoại tình cũng nhiều lên…

Trong đời sống hàng ngày, những chuyện không vui ở nhiều gia đình như những thông điệp, nhắc nhở mỗi người hãy biết nâng niu, quý trọng giá trị truyền thống gia đình để cùng nhau giữ gìn, vun đắp hạnh phúc.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục