Thế nhưng, thế nào là một gia đình yên ấm, thế nào là một mái ấm hạnh phúc lại không phải là việc đơn giản, mái ấm hôm nay đã không còn giống với mái ấm ngày xưa.
Địa ngục mang tên gia đình
Bạn Huỳnh Thanh M., học sinh Trường THPT Ngô Quyền, trong cuộc tọa đàm bàn về chủ đề bố mẹ không hiểu con cái, khi được hỏi thường nói chuyện với ai, đã đáp gọn lỏn: “Không ai cả vì bố mẹ không sống với nhau”. M. hiện đang sống với bà ngoại và thi thoảng mới gặp bố hay mẹ. Cậu chưa bao giờ có cảm giác về cái gọi là mái ấm, bởi như chính cậu tâm sự, đã quá quen chuyện vắng bố mẹ.
Trong cuốn tự truyện của mình, khi về kể thời thơ ấu, cựu danh thủ bóng đá Lê Công Vinh tiết lộ, cho đến khi xa gia đình vào trung tâm huấn luyện của Sông Lam Nghệ An, anh chưa một lần được ăn một bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Bữa cơm nào không mẹ chì chiết cũng là cha chửi bới, rồi đập bàn, la hét… cậu bé 10 tuổi Công Vinh khi đó chỉ biết trốn ra quảng trường gần nhà ngồi khóc và không thể hiểu nổi tại sao hai con người yêu nhau, đến với nhau giờ lại ghét nhau đến như thế. Ác mộng thời ấu thơ ảnh hưởng đến cả hiện nay khi chàng cựu danh thủ này nổi tiếng “nghe lời vợ” bởi như chính anh thừa nhận, luôn ám ảnh bởi những mâu thuẫn của bố mẹ ngày xưa.
Nhưng không phải ai cũng chấp nhận hay vượt qua những đổ vỡ của bố mẹ, bạn Nguyễn Thị Bảo Q., hiện đang sống tại quận 10, kể lại giai đoạn lâm vào trầm cảm nặng do bố mẹ ly hôn. Thậm chí, có lúc Q. dự tính làm chuyện điên rồ để ngăn cản chuyện chia tay của hai người.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cho biết, không ít lần chị tiếp nhận những lời đề nghị tư vấn của các bạn trẻ để tìm cách hàn gắn chuyện tình cảm của bố mẹ. Theo chuyên gia, đó gần như là một chuyện ảo tưởng bởi hai con người có những vấn đề tâm lý khác nhau, một khi đã quyết không gắn bó với nhau, đã lựa chọn những con đường riêng thì rất khó để phục hồi lại tình cảm như xưa. Tuy rằng có câu nói con cái là cầu nối của bố mẹ nhưng thực tế, khi quan hệ giữa bố và mẹ tan rã, cây cầu nối đôi khi còn trở thành gánh nặng hay là nguyên do cho các tranh chấp, đẩy mối quan hệ của họ ngày càng trở nên ác liệt.
Mái ấm không có nghĩa là đầy đủ
Chuyên gia tư vấn Phạm Thị Thúy kể lại một trường hợp chị trực tiếp tiếp xúc, người phụ nữ nảy sinh mâu thuẫn với chồng khi các đứa con còn nhỏ. Mâu thuẫn không thể hòa giải, ngược lại ngày càng trở nên dữ dội đến mức chị hầu như không thể sống chung với chồng. Có điều khi đó, nhìn những đứa con còn nhỏ dại, chị nghĩ về con, cắn răng chịu đựng, tiếp tục sống với chồng. Mãi cho đến khi con đã khôn lớn, chị mới quyết định sẽ ly hôn, gọi con lại để kể về lý do cho quyết định trên, những tưởng những đứa con sẽ thông cảm, nhưng không, chị bất ngờ khi tất cả chúng đều trách chị. Chúng trách chị sao không ly hôn từ sớm, sao phải cố gắng sống chung để rồi biến cả thời ấu thơ của chúng thành địa ngục, thành một nỗi ám ảnh cả cuộc đời của chúng.
Trước đây, mỗi khi hình dung về khái niệm “Gia đình là mái ấm”, hình ảnh tiêu biểu luôn là đủ bố, mẹ con cái. Thế nhưng, thời đại thay đổi, định nghĩa về mái ấm cũng không còn như trước, mái ấm bây giờ không bắt buộc phải đầy đủ tất cả những người trong gia đình mà quan trọng nhất là những người sống trong đó thực sự hạnh phúc. Có không ít trường hợp, mâu thuẫn giữa vợ, chồng đã vô cùng căng thẳng, áp lực cuộc sống ngoài xã hội, về đến nhà lại phải áp lực đối phó lẫn nhau. Họ không còn tâm trí để chăm sóc cho con cái, thậm chí nhiều trường hợp còn trút giận, xả bực tức lên đứa con của mình, hay sử dụng con cái như một công cụ để đối phó lẫn nhau. Cho đến khi họ giải thoát được cho nhau, mỗi người đi một con đường, không còn phải căng thẳng đối phó với nhau, họ lại có thời gian, có tâm trí để quan tâm đến con hơn lúc trước.
Trong các trường hợp xin tư vấn về việc giữ gìn mối quan hệ gia đình đó, đại đa số trường hợp mâu thuẫn bố, mẹ khi còn sống chung với nhau được xem là nguyên nhân chính khiến cho những đứa con thay vì cảm nhận hơi ấm gia đình lại cảm giác gia đình là địa ngục.
Nhà báo Phương Huyền, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, cho rằng, chính sự đổ vỡ của gia đình, những cuộc cãi nhau, những cuộc đụng độ đã khiến con cái trở nên sợ hãi chính bố mẹ mình. Và từ sự sợ hãi đó, những đứa con đã né tránh bố mẹ, tìm cách tạo nên những vỏ bọc để trốn tránh hiện thực đổ vỡ. Cũng vì vậy, nếu bố mẹ chấp nhận thực tế, chấp nhận sự chia tay nhanh chóng cũng là cơ hội để đưa đứa con khỏi vỏ bọc một cách nhanh chóng. Chuyên gia Phạm Thị Thúy trong buổi giao lưu với các bạn đoàn viên quận 1 nhân Ngày gia đình Việt Nam để lại lời khuyên, với những ai chưa lập gia đình, hãy có trách nhiệm hơn với tương lai của mình bởi nếu vội vàng, nếu vô trách nhiệm thì chịu hậu quả không chỉ có cá nhân mà còn những người khác, trong đó có cả con cái của mình. Thế nhưng, một khi đã không thể sống chung với nhau, giải thoát cho nhau một cách nhanh chóng nhất cũng là một biện pháp để mang lại hạnh phúc thay vì cố gắng níu kéo một mối quan hệ đã tan vỡ để rồi biến cuộc sống gia đình thành địa ngục với con cái và thậm chí cả chính họ.