Mái ấm “Hy Vọng”

Ngôi nhà cấp 4 lợp tôn được chia ra làm 5 phòng như một nhà trọ, đó là mái ấm Hy Vọng (thuộc khu vực 1 phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - nơi dang rộng vòng tay đón những người nhiễm HIV chuyển qua AIDS bị gia đình ruồng bỏ, không nơi nương tựa để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Mái ấm “Hy Vọng”

Ngôi nhà cấp 4 lợp tôn được chia ra làm 5 phòng như một nhà trọ, đó là mái ấm Hy Vọng (thuộc khu vực 1 phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - nơi dang rộng vòng tay đón những người nhiễm HIV chuyển qua AIDS bị gia đình ruồng bỏ, không nơi nương tựa để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Mái ấm Hy Vọng được xây dựng vào đầu năm 2007, từ ý tưởng chăm sóc các em nhiễm HIV không nơi nương tựa, bị người thân ruồng bỏ nằm hoài trong bệnh viện, dù đã được cho xuất viện. Với tinh thần cống hiến cho cộng đồng, bác sĩ Trần Minh Trường, y sĩ Trần Thị Xuân Hồng, lương y Nguyễn Thị Thu Cúc, tình nguyện viên Nguyễn Thị Lá cùng một số sinh viên và những bệnh nhân AIDS còn khỏe, sẵn sàng giúp những người bị HIV/AIDS nặng - vơi đi nỗi tuyệt vọng, mặc cảm, buồn chán, nhất là dùng tình cảm an ủi, giúp người bệnh ổn định tinh thần, giữ gìn sức khỏe để tránh những mầm bệnh khác có cơ hội tấn công.

“Hy Vọng” là tên của mái ấm và cũng là ước mơ một ngày không xa các nhà khoa học tìm được thuốc đặc trị HIV/AIDS, xóa đi căn bệnh thế kỷ.

Các bác sĩ của mái ấm Hy Vọng không chỉ kiểm tra sức khỏe, truyền dịch, cho bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định mà còn giúp đỡ về vật chất như nơi ăn chốn ở để tránh lây lan ra cộng đồng cũng như ngăn chặn hành động liều lĩnh thiếu suy nghĩ của bệnh nhân. Những tình nguyện viên muốn tạo cho gia đình và xã hội có cái nhìn khác đối với người nhiễm HIV/AIDS, xua tan ý nghĩ kỳ thị, xa lánh họ. Những người nhiễm đang suy kiệt được cho uống A.R.V đặc trị, bệnh nhân suy dinh dưỡng được hỗ trợ ăn uống, thuốc men cho đến khi ổn định.

Cảm thông sâu sắc sự thiếu thốn tình cảm, ngoài việc chữa trị, nuôi dưỡng, mái ấm còn tạo “nhịp cầu” để các bệnh nhân họp lại, gặp nhau chia sẻ khó khăn, tâm sự, biến mái ấm thực sự trở thành ngôi nhà hạnh phúc của các bệnh nhân. Theo bác sĩ Trường: “Từ ngày thành lập đến nay, chúng tôi đã tổ chức 6 lần họp mặt để các bạn nhiễm đến với nhau bằng những bữa cơm thân mật, có cơ hội chuyện trò, tâm sự… Mỗi lần họp mặt không dưới 20 bệnh nhân. Nhìn họ hàn huyên tâm sự, nét mặt tươi vui, những u buồn, chán nản tan biến, những người săn sóc bệnh như chúng tôi cũng thấy ấm lòng. Tất cả chi phí do chúng tôi đài thọ”.

Theo chân người hộ lý xuống nhà ăn, thấy bệnh nhân Hồ Văn H. vừa kho xong cá khô để ăn trưa. Với gương mặt tươi vui, em cho biết: “Từ ngày đến đây ở, em cảm thấy như được sống trong gia đình, những người thầy thuốc vừa là người mẹ, người anh, người chị... Vì vậy, tinh thần của em hiện giờ rất ổn định, lao động bình thường, uống A.R.V, ngoài ra em được cấp thuốc hỗ trợ gan, phổi”.

Bà Nguyễn Thị Bảy, 64 tuổi, ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thới, Phong Điền, TP Cần Thơ, nuôi con gái 26 tuổi, bị nhiễm HIV chuyển qua AIDS, mù cả hai mắt, cho biết: “Gia đình quá nghèo, khi phát hiện chồng sang bệnh cho con gái thì quá muộn, may mà được mái ấm bảo bọc, dưỡng nuôi cả hai mẹ con chúng tôi”.

Mái ấm “Hy Vọng” ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Bảy (phải) nuôi con gái bị nhiễm HIV và mù hai mắt.

Mái ấm Hy Vọng ra đời trong thời gian ngắn ngủi nhưng đã có khoảng 30 em chuyển sang giai đoạn AIDS đến đây nương tựa, 14 em đã xa lìa cuộc sống. Đa số những người qua đời đều dưới 30 tuổi. Họ thường vô gia cư hoặc bị gia đình xa lánh, chi phí mai táng đều do mái ấm Hy Vọng lo liệu.

Lương y Thu Cúc thố lộ: “Chúng tôi muốn tìm sự lạc quan trong tận cùng bất hạnh, thật không dễ dàng gì, vì họ đã mang trong mình loại virus quá quái ác. Có những em lúc ở bệnh viện đã hấp hối, da bọc xương, về đây sau một thời gian bồi dưỡng, điều trị, thân thể không còn lở loét, ngăn chặn được những cơn ho kéo dài, làm được việc nhẹ, không còn những ý nghĩ tiêu cực về cái chết và trở thành thành viên tích cực của nhóm. Lương y Thu Cúc nói thêm: “Cũng có nhiều cái chết làm mình cảm thấy quá thương tâm, vì vẫn còn hy vọng nhưng rồi người đó lại vĩnh viễn ra đi”.

Giữa bao thăng trầm của cuộc sống, còn có rất nhiều tấm lòng hy sinh cao cả, góp phần thắp sáng niềm tin, thật đáng trân trọng. Mong sao có nhiều mái ấm Hy Vọng mọc lên để giúp người nhiễm HIV đừng tuyệt vọng, tìm thấy niềm vui và san sẻ phần nào gánh nặng cho cộng đồng, xã hội

THỤY MẪN

Tin cùng chuyên mục