Mai này tằm nhả hết tơ

Mai này tằm nhả hết tơ

Để được UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thật không đơn giản chút nào. Ông cha ta đã dày công tìm tòi sáng tạo và vun đắp hơn một thế kỷ qua, để có được  những làn điệu tuyệt vời, bất hủ, trở thành văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và phát triển vốn quý văn hóa truyền thống của ông cha để lại. Thế nhưng...

Bên dòng Bến Nghé

Một chiều cuối tuần, tôi lang thang dọc bờ rạch Bến Nghé, dòng nước sông êm đềm trôi và râm ran tiếng cá quẫy đuôi ăn móng, tạo nên một vẻ đẹp êm đềm của một dòng kênh đã thực sự hồi sinh.

Chợt tôi dừng lại lắng nghe, đâu đây văng vẳng tiếng đờn lời ca khoan nhặt. Những âm ba như nhắn gửi ấy đưa tôi đến Trung tâm Văn hóa quận 4 và được bác bảo vệ cho biết ở đây Câu lạc bộ Đờn ca tài tử quận 4 (CLB) đang sinh hoạt. Ông Hồ Nam, chủ nhiệm CLB vui vẻ mời tôi cùng tham dự cho vui.

Đến sinh hoạt tại CLB Đờn ca tài tử có khoảng 15 người, hầu hết đều lớn tuổi, nhưng ai cũng có giọng ca chắc khỏe, điêu luyện và mùi mẫn chẳng khác nào nghệ sĩ chuyên nghiệp, có sức lay động người nghe. Điều tôi tâm đắc và cũng rất khâm phục là các tay đờn của CLB này quá hùng hậu, lão luyện và có tên tuổi trong làng đờn ca tài tử như: Minh Nhật, Hà Tiến, Trọng Đức, Nguyễn Nam… đến những giọng ca vàng: Phương Oanh, Kim Phượng, Ngọc Mai, Bé Tư, Thanh Dũng… Dàn nhạc có đủ guitare ta phím lõm, sến, cò, kể cả violon. Khi họ cùng cất lên tiếng đờn, lời ca như muôn ngàn giai điệu réo rắt từ không gian xa thẳm vọng về, khiến người nghe ngỡ như lạc vào thế giới âm thanh sâu lắng mà gần gũi, rồi chìm lắng vào cõi xa vời. Lần lượt hết người này đến người kia hát, người nọ đờn, họ cùng hát, cùng đờn, cùng thưởng thức. Mặc kệ dòng đời xuôi ngược, thời gian như lắng đọng lại cùng lời ca tiếng hát và nhịp đập con tim của những tâm hồn trót đeo mang cái nghiệp cầm ca. Điều tôi nhận ra sự độc đáo của CLB, đó là tất cả đều biết hát và biết đờn những bài bản tổ như Lưu thủy trường, Đảo ngũ cung, Tây thi, Cổ bản, Tứ đại oán… Đây là những bài bản chủ yếu của bộ môn đờn ca tài tử rất khó hát, còn để đờn được những bài bản tổ này nhuần nhuyễn thì tay đờn phải là những nhạc sĩ tài hoa và chịu khó tập luyện lâu dài mới chơi được.

Tuy nhiên, tôi không khỏi băn khoăn là trong số họ, không có ai là người trẻ tuổi. Ông Hồ Nam cho biết: “CLB thành lập năm 1990 có hơn 30 người, nhưng suốt 25 năm qua, số hội viên ngày càng rụng dần vì các thành viên tuổi cao, sức yếu, trong khi lực lượng kế thừa không có, nhất là lớp trẻ không còn mặn mà với đờn ca tài tử”. Ông Hồ Nam chậc lưỡi như than thở: “Có những lúc, tôi nghĩ chắc phải giải tán CLB vì chỉ còn vài người lui tới sinh hoạt. Điều quan trọng là chúng tôi không có kinh phí hoạt động. Đây là tình hình chung của bộ môn đờn ca tài tử. Nhiều CLB ở các quận huyện đã phải giải tán cũng vì vấn đề này. Nhưng đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là vốn quý văn hóa văn nghệ của cha ông để lại, chúng ta không được để mai một mà còn phải phát huy để luôn giữ vững danh hiệu cao quý. Chính vì vậy, tôi tự nguyện làm người giữ lửa, thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết của những người yêu tiếng đờn lời ca, cho phong trào đờn ca tài tử vẫn nóng bỏng, vẫn cháy mãi. Tôi còn mời các anh chị em ở CLB các quận huyện khác đã giải tán về đây sinh hoạt, nhờ vậy mà phong trào đờn ca tài tử ở quận 4 còn duy trì đến ngày hôm nay”.

Tôi thực sự khâm phục với tâm huyết của người nặng lòng với vốn quý văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng liệu ngọn lửa này còn giữ được đến bao giờ, khi mà bên cạnh không có người giữ lửa.

CLB Đờn ca tài tử quận 4 trong một buổi sinh hoạt. Ảnh: TRỊNH HẢI

Kiếp tằm vẫn mãi nhả tơ

Suốt 25 năm làm chủ nhiệm CLB, ông Hồ Nam vẫn sớm trưa miệt mài với công việc của mình không ngại ngần khó khăn vất vả. Công việc không hề mang lại cho ông chút thu nhập nào, trái lại ông còn phải tốn công hao sức, đôi khi  bỏ tiền túi ra để lo cho việc “giữ lửa”. Có những thành viên trong CLB hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vậy mà vẫn đến với CLB bằng xe ôm, xe buýt, không kỳ sinh hoạt nào vắng mặt. Như ông Năm Thiện Ngọc, một tay đờn sến trứ danh, một cây đa cây đề trong làng đờn ca tài tử không chỉ của quận 4 mà của cả Nam bộ, nay tuy đã 94 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, chẳng những đờn hay mà ông ca cũng rất ngọt. Ông bảo, nhờ văn nghệ mà ông khỏe mạnh, dẫu có nghèo, nhưng vẫn còn cống hiến cho đời tiếng đờn lời ca, còn hơn nằm trên đống vàng chờ chết. Ông chỉ buồn là sắp từ giã cây đờn rồi, mà chưa có ai chịu theo ông làm đệ tử. Để động viên tinh thần của những con người như vậy, thi thoảng ông Hồ Nam kín đáo nhét vào túi họ ít tiền đi xe, cho dù hiện nay hoàn cảnh của ông cũng rất khó khăn, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông cậy vào số tiền ít ỏi của ông đi dạy học thêm. Những đêm thao thức, ông Hồ Nam cặm cụi sáng tác những bài bản mới, vừa cho anh em trong CLB có bài mới tập dợt, vừa bổ sung cho gia tài của đờn ca tài tử thêm phong phú. Thấu hiểu tấm lòng của một người vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy bộ môn đờn ca tài tử, tiếng lành đồn xa, nên CLB đã thu hút nhiều giọng ca, tay đờn ở các quận Bình Tân, quận 7, quận 8, quận 10, Nhà Bè, Bình Thạnh, kể cả tận Hóc Môn...

Ông Nguyễn Nam ở quận 8, sống bằng nghề đờn phục vụ cho các quán có chương trình hát với nhau, thổ lộ: “Giới trẻ bây giờ, họ đến hát với nhau toàn là hát tân nhạc, có mấy ai hát được vọng cổ, đừng nói chi là đờn ca tài tử. Tôi đến với CLB là để có giây phút đờn cho chính mình, đờn theo nhịp đập con tim”. Ông Hoàng Tân, một nghệ nhân dân gian ở quận 4, tuy không biết đờn, không biết hát, nhưng ông cũng tình nguyện tham gia CLB là để được “có cớ” tài trợ kinh phí cho CLB sinh hoạt, dù mỗi tháng CLB được Trung tâm Văn hóa quận 4 cấp 500.000 đồng làm kinh phí hoạt động.

Mai sau ai tiếp nối cung đàn

Một dịp tôi về xã Vân Khánh huyện An Minh tỉnh Kiên Giang, dự một đêm sinh hoạt đờn ca tài tử. Dù là vùng sâu vùng xa, nhưng các nhạc sĩ, ca sĩ của CLB đờn ca tài tử xã Vân Khánh đều từng đoạt nhiều thứ hạng cao trong các kỳ Hội diễn Đờn ca tài tử cấp huyện, cấp tỉnh. Tuy nhiên, cũng như nhiều CLB đờn ca tài tử ở nhiều địa phương khác, các thành viên ở đây hầu hết là người lớn tuổi. Anh Trung Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Vân Khánh đồng thời cũng là thành viên của CLB Đờn ca tài tử xã Vân Khánh, băn khoăn: “Các CLB đờn ca tài tử trong tỉnh Kiên Giang đều thiếu vắng các giọng ca, tay đờn trẻ tuổi. Trong tương lai gần đây, bộ môn đờn ca tài tử nước ta liệu sẽ đi về đâu?”. Nhà thơ An Phương, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long cũng có cùng trăn trở: “Vĩnh Long là một tỉnh có truyền thống đờn ca tài tử khá mạnh, vậy mà hiện nay, nhìn trước ngó sau, không thấy xuất hiện thêm những tài năng trẻ. Điều này cũng không trách được, vì họ thấy chuyện tập đờn, tập hát không thiết thực và không hấp dẫn bằng lướt web, lên facebook vui hơn”.

Nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương, lý giải nguồn cơn sâu sát hơn: “Bình Dương đã từng có những “cổ thụ” trong làng đờn ca tài tử cả nước, được công nhận là danh cầm toàn quốc, như các ông Út Lăng, ông Tư Còn, ông Ba Còn... và rất nhiều tài năng khác. Nhưng năm tháng trôi qua, khi các cây đa cây đề lần lượt ra đi thì nền âm nhạc đờn ca tài tử Bình Dương thực sự hụt hẫng. Cho đến tận bây giờ, chưa có người thay thế, kể cả chưa có nhân tố để đào tạo kế thừa cho mai sau. Điều rất đáng báo động, nếu các địa phương không có kế hoạch đào tạo kịp thời, trong đó vấn đề hỗ trợ kinh phí để các CLB đờn ca tài tử hoạt động là điều vô cùng bức thiết. Nếu không giải quyết những vấn đề này đến nơi đến chốn, bộ môn đờn ca tài tử lụi tàn là điều tất yếu. Chúng ta cũng nên có kế hoạch lâu dài, mạnh dạn đầu tư một cách hiệu quả. Làm sao tạo cho đờn ca tài tử trở thành sân chơi hấp dẫn đối với giới trẻ. Và cuối cùng, đừng ngủ quên trong hào quang mà UNESCO đã trao tặng”.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục