Đến thành phố Đà Nẵng, rất nhiều du khách không khỏi ấn tượng bởi hầu như không xuất hiện bóng dáng những người lang thang xin ăn, cơ nhỡ, bệnh tật không nơi nương tựa. Song, rất ít người biết rằng ở cách không xa trung tâm thành phố, vẫn có hàng trăm thân phận con người với những nỗi niềm riêng đang đau đáu khao khát một mái nhà mà ở đó họ có thể nương tựa, sống trọn kiếp người.
Những phận đời cô độc
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình thành phố “5 không”, Đà Nẵng đã nổi lên như một địa phương tiêu biểu với việc xây dựng, triển khai hiệu quả mô hình mới mang tính cộng đồng, an sinh xã hội cao. Đặc biệt, Trung tâm Bảo trợ Xã hội TP Đà Nẵng đã trở thành “mái nhà chung” cho những người lang thang xin ăn, cơ nhỡ, bệnh tật không nơi nương tựa. Dẫu cuộc đời họ như được “sang trang mới” khi ngành chức năng thành phố quan tâm đưa vào trung tâm quản lý, nuôi dưỡng, song dường như ai cũng cùng chung tâm trạng mặc cảm bởi thân phận và nỗi đau riêng.
Ngồi lọt thỏm trong căn phòng của trung tâm, cụ Lê Thị Én (đã ngoài 80 tuổi), như lảng tránh không muốn tiếp xúc với người ngoài. Gánh nặng tuổi già cộng với cuộc sống cơ cực những ngày lang thang vật vả nơi đầu đường xó chợ để xin ăn càng khiến gương mặt cụ thêm khắc khổ, hom hem. Cụ cũng không nhớ nổi mình đã sống ở trung tâm mấy năm rồi. Cụ chỉ nhớ mang máng rằng có một đứa con trai nhưng cuộc sống ở vùng quê Quảng Nam cơ cực, khó khăn quá nên không nuôi nổi người mẹ già. Tuổi già sức yếu, không thể lao động nên cụ lang thang xin ăn cho đến khi được thu gom, đưa vào nuôi dưỡng tại trung tâm. Nhắc đến người con, cụ trầm ngâm nhìn xa xôi: “Đã lâu rồi nó không vào thăm. Giờ chẳng biết chết lúc nào, chỉ mong nó có điều kiện đón mình về nuôi, sống với con cái ít năm”.
Đồng cảnh ngộ với cụ Én, ông Lê Văn Nhân (gần 80 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng tủi thân không kém. Một thời trai trẻ, ông từng là trụ cột trong gia đình, có nhà cửa đàng hoàng. Thế nhưng, cái nghề tài xế đường dài đã khiến ông buông thả, lao vào hết cuộc chơi này đến cuộc chơi khác, rượu chè, trai gái... Dần dà những thói xấu đó hại ông. Đến tuổi gần đất xa trời, ông còn bị mắc chứng bệnh thần kinh. Đáng nói ở chỗ ông có rất nhiều con cái, cả trai lẫn gái nhưng lại không thể sống được với ai nên bỏ nhà đi lang thang cho đến khi được đưa vào trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông chấp nhận sống nốt những ngày tháng tuổi già cô độc tại đây.
Những tấm lòng sẻ chia
Trường hợp như cụ Én, ông Nhân ở trung tâm này có rất nhiều. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận khác nhau đã phải vào sống tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội TP Đà Nẵng cả chục năm trời. Có trường hợp ngay cả đến lúc chết cũng không có người thân đến nhận. Như trường hợp của chị L.T.H, sau những ngày trôi dạt, chị được đưa vào trung tâm với căn bệnh HIV/AIDS giai đoạn cuối. Ngày chị H. chết, chẳng có lấy một người thân vào nhận. Trung tâm đã tổ chức đám tang, lo liệu chôn cất. Hay rất nhiều đứa trẻ mồ côi mang trong mình căn bệnh ngặt nghèo, động kinh, bại não nhưng không có tổ chức, cá nhân nào dám nhận cũng đã gửi đời mình cho trung tâm nuôi dưỡng.
Ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội TP Đà Nẵng, cho biết: “Với những người lang thang xin ăn, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, trung tâm đã trở thành mái nhà hạnh phúc dành cho họ. Hiện trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng gần 200 người thuộc diện thu gom, tiếp nhận theo chương trình “5 không” của thành phố. Đến nay, trung tâm đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng gần 10.000 lượt đối tượng thuộc diện trên. Trung tâm cũng tổ chức dạy văn hóa, đào tạo nghề cho các em trong độ tuổi đi học. Đây là cơ sở tốt để các em có thể trưởng thành, tự lập khi quay về hòa nhập với cộng đồng, gia đình”.
Nhiều tổ chức, cá nhân từ thiện-xã hội trong và ngoài nước đã cùng chung tay chia sẻ, giúp đỡ trung tâm. Có mặt trong đoàn công tác của Tổ chức tình nguyện quốc tế (GVN) khi đến thăm trung tâm, Jolie Kate, nữ tình nguyện viên mang quốc tịch Australia xúc động: “Nói chuyện với những người đang sống tại đây, tôi hiểu cuộc đời họ không may mắn, bất hạnh. Chúng tôi đến với họ bằng tấm lòng sẻ chia, thông cảm, cũng như sẽ có hành động thiết thực nhằm vận động, quyên góp giúp đỡ họ nhiều hơn, thiết thực hơn”.
Còn anh Trần Thanh Hiền, một giáo viên ở huyện Hòa Vang đến với trung tâm bằng việc tình nguyện hàng tuần tham gia bồi dưỡng văn hóa, kiến thức cho các em sau giờ lên lớp. Anh Hiền tâm sự: “Chỉ có học văn hóa, học nghề mới là cách lâu dài giúp cho các em có cuộc sống tốt đẹp hơn về sau”.
NGUYỄN HÙNG