Người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định, lang thang ở TPHCM không nhà không cửa, giờ đây được các quận, huyện tăng cường chuyển gửi vào các trung tâm. Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp (thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM, đóng tại Bình Phước), họ đã nhận được sự chăm sóc tận tình, tìm được hơi ấm tình người.
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp (bên trái, đứng) trò chuyện cùng người lang thang đang được chăm sóc ở trung tâm.
Tạo công ăn việc làm
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp, nơi đang chăm sóc hơn 670 người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng, cho biết, trung tâm đã có nhiều cách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trại viên. Vun vén cho đời sống trại viên, 360 người trong độ tuổi lao động được trung tâm tổ chức làm các công việc đơn giản như gia công khô cá bò, mây tre lá, hạt điều… giúp trại viên có thu nhập khoảng 300.000 đồng/người/tháng. Thông qua quá trình lao động sản xuất, giúp người lang thang cảm nhận được giá trị và thành quả của lao động do chính công sức mình làm ra. Số tiền “lương” hàng tháng được chi trả cho trại viên, giúp họ có thêm một khoản tiền để trang trải cuộc sống khi không có gia đình thăm nuôi đều đặn.
Anh Huỳnh Thanh Phong (25 tuổi, quê Long An) chia sẻ, anh có việc làm tại chỗ là làm khô cá bò và hàng tháng có thu nhập khoảng 500.000 đồng. Ngoài chi dùng hàng ngày, Phong đã tiết kiệm được 200.000 đồng để tiêu trong Tết Ất Mùi 2015. Vui hơn nữa, mới đây, Phong là 1 trong 30 người được Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp cho học lớp vi tính. “Hoàn thành khóa học, có chứng chỉ, mai mốt được hồi gia cũng dễ kiếm việc làm”, Phong dự tính.
Ông Nguyễn Văn Quân cho biết, mong muốn lớn nhất của TP và của trung tâm là tổ chức hồi gia cho những người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Với những trại viên chưa xác minh được nơi cư trú để giải quyết hồi gia, nhưng có quá trình rèn luyện, phấn đấu trong học tập, lao động sản xuất được tập thể trại viên nhận xét tốt, sẽ được trung tâm giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp và vận động các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc ở công ty. Mỗi năm, có khoảng 100 trại viên được các doanh nghiệp ngành xây dựng, chế biến gỗ, nuôi trồng thủy sản, chế biến trà, trồng nấm… nhận vào làm công nhân. Mới đây, trung tâm vừa gửi 6 trại viên đi học nghề nuôi tôm ở Công ty Tuấn Hoàng (Cần Giờ, TPHCM). Đưa 6 người làm công nhân tách hạt điều ở Công ty TNHH MTV Tân Châu (Bình Phước).
Ngôi nhà thứ 2
Khi thực hiện chủ trương của TP về việc đẩy mạnh đưa người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng vào các trung tâm để chăm sóc, tổ chức hồi gia, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM, liên tục nhắn nhủ tới các quận huyện và trung tâm, rằng phải xác định đây là đối tượng bảo trợ xã hội, có hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp nên mọi việc, từ tiếp nhận, chăm sóc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, tổ chức hồi gia… đều phải được thực hiện một cách tận tình, chu đáo. Và tinh thần đó đã được chuyển tải tới Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp.
Tận dụng đất đai hiện có, Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp tổ chức cho trại viên chăn nuôi gà, vịt, heo, bò cung cấp thực phẩm cho bếp ăn với giá rẻ hơn giá thị trường. Dịp Tết Ất Mùi, trung tâm đã chuẩn bị được 1,5 tấn heo, 500kg gà, 100% rau xanh… Trung tâm cũng đặt mua 700 chiếc bánh tét, phát cho mỗi người 1 chiếc và một phần bánh kẹo, hạt dưa. Mỗi học viên được cấp 1 bộ quần áo mới. Đồng thời, tổ chức cho học viên thi hát karaoke, đấu cờ tướng, chơi các môn thể thao phù hợp… Hàng ngày, chương trình phát thanh của trung tâm thường điểm Báo SGGP và phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM giúp trại viên nắm bắt thông tin thời sự.
Chính sự chăm sóc chu đáo về đời sống trại viên mà nhiều người, vì hoàn cảnh riêng, không muốn hồi gia, thích ở trung tâm như đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Bà Nguyễn Thị Tâm (71 tuổi, quê Thanh Hóa) kể, trước bà xin ăn ở TP và được đưa vào trung tâm. “Mình lang thang xin ăn thì cũng không đúng với chủ trương của TP. Với lại, ở tuổi này, cũng không còn sức mà lang thang nữa. Ở trong này cơm ăn nước uống, thuốc men đầy đủ; có bạn bè tâm sự, sinh hoạt vui vẻ. Mình yên tâm lắm, thôi thì trăm sự nhờ… trung tâm lo”, bà Tâm thổ lộ.
Ở khu 1, nơi đang chăm sóc 130 người già, người khuyết tật, chị Nguyễn Thị Thắm, nhân viên quản lý khu 1, cho biết, ở đây, mỗi người 1 hoàn cảnh khác nhau. Nhiều người như bà Tâm đã đăng ký ở lại trung tâm, không muốn hồi gia làm phiền con cái. Hiểu được nhu cầu cần sẻ chia, tâm sự của các cụ, tất cả nhà các cụ ở trong khu đều mở cửa thoải mái suốt ngày. Các cụ đi từ nhà nọ sang nhà kia hay ra khuôn viên trung tâm gặp gỡ, trò chuyện, tâm sự. “Ngày tết, ban giám đốc sẽ xuống tận nhà chúc tết, lì xì cho tất cả mọi người. Tất cả như một gia đình”, chị Thắm chia sẻ.
MẠNH HÒA