Một buổi trưa, trong căn phòng nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM) có một nhóm bạn trẻ đang thoăn thoắt chuẩn bị bữa trưa. Xem đôi tay khéo léo pha chế đồ ăn, thức uống và nghe họ tự tin nói chuyện với khách bằng tiếng Anh, chẳng ai nghĩ những chàng trai, cô gái kia từng là những trẻ em đường phố.
- Nơi chắp cánh ước mơ
Trong bộ đồng phục gọn gàng, Trần Thị Thu Hiền, học viên khóa 1 của Trung tâm KOTO tại TPHCM trải khăn ăn và giới thiệu với khách thực đơn bằng tiếng Anh. Trước hàng loạt câu hỏi… làm khó về các loại nước uống, thành phần có những gì, cách pha chế ra sao, có công dụng gì cho sức khỏe không, Hiền vẫn bình tĩnh, vui vẻ giải thích như nhân viên tại một khách sạn cao cấp. Khách chưa kịp hết ngạc nhiên thì tại một góc bàn khác, Trần Văn Phi, một học viên khác của trung tâm, đang trao đổi với nhóm thực khách về món tráng miệng. Cậu bé còn vui vẻ dạy cách làm và kể về nguồn gốc của món bánh cà rốt mà em đang phục vụ.
| |
Em Phùng Thiện Thanh Minh, học viên khóa 2 giải thích: “Chữ KOTO được thể hiện như hình ảnh cách điệu của hai người lớn đứng cạnh 2 em nhỏ: Một người dang rộng vòng tay đỡ đứa trẻ đang mếu máo; người kia như một mái nhà che chở em khác đang cười. KOTO là từ viết tắt của thành ngữ “Know one, teach one” (biết một, dạy một). Dưới mái nhà KOTO, em và các bạn được tạo cơ hội học nghề, rèn luyện kỹ năng sống. Sau khi học xong, tụi em sẽ được giới thiệu nơi để làm việc”.
Tại một góc khác của trung tâm là chiếc tủ kính khá to, bên trong là những lọ thủy tinh được sắp xếp ngăn nắp. “Lọ mơ ước của bọn em đó”, em Lâm Thị Hồng nói. “Mỗi học viên vào trung tâm đều được phát một chiếc lọ như vậy. Em sẽ bỏ vào đấy những tờ giấy ghi mơ ước, tâm sự của mình. Sau khóa học, em sẽ nhận lại những chiếc lọ để xem mình đã làm được những gì, tiến bộ ra sao”, Hồng giải thích.
Có một quy định kỳ lạ mà những người mới đến thăm KOTO lần đầu không khỏi ngạc nhiên: Chỉ được nói chuyện với các em về hiện tại và tương lai, không nhắc đến quá khứ. Giải thích về điều này, anh Lâm Viết Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm KOTO TPHCM, cho biết: “Hầu hết các em ở trung tâm đều có quá khứ buồn, chúng tôi không muốn các em phải chịu thêm bất kỳ tổn thương nào. Bước chân vào KOTO, cởi bỏ bộ quần áo xộc xệch, khoác đồng phục KOTO cũng là rũ bỏ quá khứ, quên những ánh mắt nghi ngại của người đời và hướng đến một tương lai tươi sáng”.
- “Đại ca” ở KOTO
Bắt đầu từ một cửa hàng bán bánh sandwich do 9 trẻ em đường phố phục vụ tại Hà Nội, nay KOTO đã phát triển thành một trung tâm dạy nghề có chương trình đào tạo ngành nhà hàng khách sạn được quốc tế công nhận. Người có công lớn trong việc biến đổi các em lang thang, đường phố trở thành những đầu bếp, những nhân viên phục vụ theo tiêu chuẩn quốc tế là Jimmy Phạm, Giám đốc điều hành cũng là người sáng lập Trung tâm KOTO.
Năm 1996, trong những lần trở về Việt Nam làm việc, anh Jimmy Phạm gặp nhiều trẻ em đường phố. Gần bọn trẻ, anh hiểu được những tiểu xảo, mánh khóe của chúng. Anh kể: “Ban đầu, chúng còn lừa cả tôi. Lúc đó, tôi tài trợ tiền thuê nhà cho 1 nhóm trẻ thì một thời gian sau phát hiện tiền thuê nhà chỉ có 400.000 đồng/tháng mà chúng “kê” lên 2 triệu đồng/tháng. Nhiều lần, tôi mua quần áo đến cho, vừa quay lưng đã phải nghe chúng văng tục, chê ít”. Tiếp xúc nhiều hơn, anh dần hiểu cuộc sống bươn chải của các em. Hình ảnh những đứa trẻ tội nghiệp bị mẹ đập đầu vào tường đến chảy máu vì tội không xin được tiền, đứa bé gái đã được anh đưa vào viện do bị lạm dụng tình dục đã khiến anh không lỡ quay bước. Những chuyến viếng thăm của anh đều đặn và ân cần đến nỗi, chỉ sau một thời gian không lâu, những đứa trẻ lang thang vốn quen với vất vả, đắng cay và thù hận trở nên tin tưởng, mong chờ người bạn mới mà các em âu yếm gọi là “đại ca”.
Jimmy bảo: “Nếu tiếp tục chu cấp tiền bạc, vật chất, các em sẽ vẫn chỉ là những đứa bán kẹo cao su, đánh giày, bán bưu ảnh cho khách du lịch; thậm chí bán lẻ ma túy, hành nghề mại dâm. Chỉ có dạy nghề mới giúp những em nhỏ thiếu may mắn này thoát khỏi hè phố và ngẩng cao đầu sống bằng sức lao động của chính mình”. Nói là làm, năm 1999, anh trở lại Việt Nam mở quán cà phê nhỏ và trung tâm dạy nghề. Chương trình đào tạo kéo dài 24 tháng, bao gồm 2 chuyên ngành chính là dịch vụ tiền sảnh và bếp. Ngoài ra, các em còn được học thêm kỹ năng sống, tiếng Anh, văn hóa. Những đứa trẻ không may mắn sau khi đào tạo ở KOTO đều có “đầu ra” là công việc ở những khách sạn lớn như Hilton, Sofitel, Sheraton, Intercontinental; được đi thực tập ở Thụy Sĩ, Úc và làm việc cả ở Dubai, Macau...
THANH AN