Mãi xanh tiếng hát - Mãi xanh cuộc đời

Đài Truyền hình TPHCM đã đề ra một ý tưởng khả dĩ làm nức lòng những giọng ca có tuổi và cả gia đình, bạn bè họ. Cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh” thu hút tới hơn 1.000 giọng ca thuộc bậc ông bà, cha mẹ, đã qua vòng bán kết và thi chung kết buổi đầu vào tối 23-4. Có thể khẳng định đa số diễn viên lớn tuổi vẫn hát hay, dạt dào cảm xúc, thể hiện sự tự tin trên sân khấu một cách thuyết phục.
Mãi xanh tiếng hát - Mãi xanh cuộc đời

Đài Truyền hình TPHCM đã đề ra một ý tưởng khả dĩ làm nức lòng những giọng ca có tuổi và cả gia đình, bạn bè họ. Cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh” thu hút tới hơn 1.000 giọng ca thuộc bậc ông bà, cha mẹ, đã qua vòng bán kết và thi chung kết buổi đầu vào tối 23-4. Có thể khẳng định đa số diễn viên lớn tuổi vẫn hát hay, dạt dào cảm xúc, thể hiện sự tự tin trên sân khấu một cách thuyết phục.

Ở bảng thi từ 51 tuổi đến trên dưới 80 tuổi, không khí tuy ít nhộn nhịp bởi quý vị thí sinh này không còn háo hức chọn những bài hát sôi động để thể hiện, nhưng vẻ sâu lắng mượt mà và nội lực của giọng ca vẫn dồi dào qua các ca khúc cách mạng hoặc trữ tình quê hương.

Còn ở bảng thi từ 31 đến 50 tuổi, không khí tập luyện, thi hát vẫn hừng hực khí thế trai trẻ, hồn nhiên. Có thí sinh vừa nhảy theo nhịp điệu vừa hát khiến mọi người phấn khích như anh Trương Đình Hưng (49 tuổi, Nha Trang) hát 60 năm cuộc đời thật vui vẻ với chất giọng khỏe khoắn, lạc quan, liên tục nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng. Anh Hưng bộc bạch: “Tôi rất vui được gặp nhiều người cùng có niềm đam mê văn nghệ. Tôi rung cảm thế nào thì diễn tả thế ấy”.

Ông Võ Văn Huệ (53 tuổi, Bình Thuận) hồn hậu tâm sự: “Tôi đến TPHCM từ lúc 3 giờ sáng hôm đó. Cả đêm nằm trên xe không ngủ được, chỉ suy nghĩ miên man về cơ hội lên ti vi làm “người của công chúng” thật thích làm sao. Mặc dù có bà con thân quen đưa đi dự thi nhưng tôi vẫn lo lắng, hồi hộp. Ngày nào tôi cũng dành ra gần cả tiếng để luyện giọng”. Bà Minh Nguyệt (sinh 1948) cho biết: “Từ hồi nhỏ tôi đã thích ca hát. Xem người ta hát, tôi thấy hào hứng và cảm nhận được âm nhạc luôn mang lại niềm vui”. Đến cổ vũ bà Minh Nguyệt là cả gia đình với chồng, con gái và con rể - một tập thể yêu văn nghệ.

Ông Triệu Văn Hân và bà Lê Thị Nhung.

Ông Triệu Văn Hân và bà Lê Thị Nhung.

Trước khi vào chung kết, Ban giám khảo nhận xét, phần lớn các thí sinh đều thể hiện được sự nồng nàn, tinh tế và có nhiều cảm xúc qua giọng hát cũng như phong cách trình diễn trên sân khấu. Có thể thấy, đó là phần biểu diễn thanh thoát, sống động của thí sinh Thạch Sa Mạc với ca khúc Nửa vầng trăng, đó là giọng hát nhiều bâng khuâng, hoài niệm trong Biển cạn của thí sinh Mai Linh ở Ninh Thuận. Khán giả của vòng bán kết cũng thích thú, yêu mến chất giọng khỏe khoắn trẻ trung của thí sinh Tôn Thị Lệ Út với ca khúc Nhớ anh. Ở tuổi 47, thí sinh họ Tôn thể hiện nhiệt tình và niềm đam mê ca hát nồng nàn với lời phát biểu đầy vẻ kiên trì: “Nếu không đậu năm nay, năm sau thi tiếp”.

Trong ca khúc đậm chất cao nguyên Ly cà phê Ban Mê, thí sinh có nhạc cảm tốt Trần Thị Kim Loan cũng gây ấn tượng với chất giọng khỏe, có hồn và cá tính mạnh. Các thí sinh: Hà Vũ Huy Hoàng, Phạm Anh Trường khiến không ít người cùng lay động, bâng khuâng với Đâu phải bởi mùa thu, Dấu tình sầu bằng chất giọng hát khỏe, phong cách trình diễn tự tin, linh hoạt, cuốn hút. Riêng thí sinh Trương Thị Quang Sang (Bến Tre) với chất giọng điêu luyện và cách xử lý nhạc phẩm Khát vọng khá nhuần nhị đã trở thành thí sinh đầu tiên đậu vào vòng chung kết. Chất giọng nữ cao, khỏe khoắn của chị chinh phục hoàn toàn hội đồng nghệ thuật và khán giả dự khán.

Thí sinh cuối bước vào chung kết Trần Thanh Quang trình bày nhạc phẩm Bài ca không quên bằng giọng ca đầy uy lực và kỹ thuật tốt đã gây được ấn tượng đáng nhớ. Vượt qua hơn 1.000 thí sinh dự thi để đậu vào chung kết 10 người còn có giọng ca của bà Lê Thị Nhung 74 tuổi, ông Triệu Văn Hân 67 tuổi… thật xứng đáng. Nhận xét chung về các ngày thi vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên (thành viên ban giám khảo) bày tỏ sự thú vị và sung sướng trước chất lượng giọng hát của các thí sinh lớn tuổi, chẳng những hát hay mà còn biết cách thể hiện cảm xúc.

Có thể nói ngoài ý nghĩa tôn vinh nền văn hóa dân tộc, cuộc thi còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc do chuyển tải được hơi thở của cuộc sống, thuyết phục mọi người chung tay vun đắp cuộc sống thân thương, lạc quan và đoàn kết. Tác dụng của hoạt động âm nhạc này góp phần gầy dựng lối sống lành mạnh, thân ái, vì cộng đồng trong một xã hội phát triển và hạnh phúc.

NGUYÊN CHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục