Tết là dịp sum họp gia đình, nghỉ ngơi thư giãn, hội ngộ. Do đó với tập tục “mâm cao cỗ đầy” hay “no ba ngày tết” là không tránh khỏi. Tuy vậy vẫn cần chú ý chế độ ăn uống để vừa ngon miệng vừa duy trì bảo vệ sức khỏe.
Mâm cơm ngày tết phổ biến trong các gia đình Việt Nam là bánh chưng (miền Bắc), bánh tét (miền Nam), canh măng khô giò heo, thịt kho tàu - thường kho kèm hột vịt, thịt gà luộc, chả giò chiên (nem), giò các loại (giò lụa, giò thủ, giò bì, giò bò). Người miền Bắc thường có thêm món thịt heo nấu đông. Người miền Trung hay có món thịt ba rọi hoặc thịt đùi heo ngâm nước mắm, tôm chua. Người miền Nam hay có thêm nồi canh khổ qua dồn thịt, nem chua có thành phần chính là bì heo.
Chúng ta thường dọn bữa ăn kèm các loại thực phẩm muối chua như dưa cải, củ kiệu, củ hành muối, dưa góp làm từ củ cải trắng, su hào, cà rốt. Các loại thức ăn khô như lạp xưởng, vịt lạp, khô bò, khô cá, tôm khô cũng hiện diện khá thường xuyên trong bữa ăn ngày tết của các gia đình.
Ngày tết không thể thiếu bia rượu cho nam giới, nước ngọt, si rô các loại cho phụ nữ, trẻ em. Các loại mứt làm từ hoa quả, trái cây với rất nhiều đường và chất phụ gia tạo mùi, tạo màu và bảo quản được lâu. Bánh kẹo cũng được ưa chuộng để đãi khách và nhâm nhi trong những dịp xuân về.
Nếu xem xét các món ăn đặc trưng ngày tết theo các cách thức chúng ta ăn trong ngày, chế biến, thành phần dinh dưỡng về mặt khoa học, có thể thấy một số đặc điểm như sau: Các món ăn có đậm độ năng lượng cao, một số món rất cao. Bánh chưng, bánh tét có trên 200 kcal/100g. Rất nhiều món ăn có hàm lượng chất đạm, chất béo cao. Hầu hết các món ăn đều có thành phần chính là đạm động vật như thịt heo, thịt bò, thịt gà. Chất béo lại từ động vật có nhiều acid béo no nên không có lợi cho sức khỏe.
Các món ăn đa phần chứa nhiều muối, các loại thực phẩm được muối chua, các loại thực phẩm khô, chế biến sẵn như giò chả đều chứa nhiều natri. Ngày tết không chỉ ăn 3 bữa như ngày thường, khi có khách đến chúng ta thường dọn mâm mời khách và bữa ăn có thể bắt đầu bất cứ giờ nào và kéo dài. Với các đặc điểm của món ăn ngày tết nêu trên, có nhiều điều không có lợi cho người thừa cân béo phì, mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh gout, rối loạn mỡ máu.
Nếu có cách lựa chọn, chế biến, phối hợp các loại thực phẩm hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể thưởng thức tết với những món ăn truyền thống mà vẫn bảo vệ sức khỏe. Bánh chưng, bánh tét có gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cơ bản, chỉ thiếu chất xơ, chúng ta sẽ bổ sung thêm bằng cách ăn kèm với củ kiệu, hành muối, dưa món, dưa hành và sau đó tráng miệng bằng trái cây. T
hịt kho hột vịt nhiều chất đạm, cholesterol nên ăn kèm dưa giá. Tôm chua ăn kèm thịt luộc, rau sống, chút bún cuốn với bánh tráng. Chân giò nhiều chất đạm, chất béo nấu cùng măng khô có nhiều chất xơ. Cách phối hợp này giúp cho các món ăn trên gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Nên hạn chế chất béo trong chế biến thức ăn, đặc biệt đối với người lớn tuổi. Tăng cường thêm rau xanh, trái cây để cân đối khẩu phần ăn vốn nhiều năng lượng, nhiều đạm, nhiều béo, tăng cường chất xơ góp phần hạn chế hấp thu chất béo. Người lớn tuổi, người béo phì, mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường không nên ăn nhiều thức ăn chứa nhiều muối, nhiều chất béo, bột đường. Các loại dưa muối, lạp xưởng, thịt ngâm nước mắm, giò thủ, giò bò, bánh chưng, bánh tét dù khoái khẩu cũng nên hạn chế. Nếu mắc bệnh thận không thể ăn nhiều chất đạm. Món canh măng khô, các loại nước lèo, bia có thể thúc đẩy các cơn đau ở người bị bệnh gout. Trẻ em có thể sụt cân sau những ngày ăn tết nếu chúng nhấm nháp rả rích mứt kẹo, uống nhiều nước ngọt gây cảm giác no dẫn tới bỏ bữa.
Hãy cho trẻ thưởng thức hương vị tết của các món này sau bữa ăn chính. Những trẻ đang thừa cân có thể trở nên béo phì nếu ăn nhiều giò chả, bánh chưng, bánh tét, mứt… vốn giàu năng lượng. Dù vui xuân cũng hãy cố gắng duy trì đủ 3 bữa ăn chính đúng giờ, điều này càng quan trọng đối với trẻ em, người bệnh đái tháo đường.
Không nên lạm dụng bia rượu bởi vì chúng rất có khả năng làm tổn thương tế bào gan. Tránh ngộ độc thực phẩm, phải tuân thủ các quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ nên nấu các món ăn đủ dùng trong thời gian ngắn, tốt nhất dùng hết trong bữa. Khi thấy thức ăn có mùi vị khác lạ, chảy nhớt, nấm mốc… phải đổ bỏ.
Bác sĩ ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP (GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM)