Mang ánh sáng cho người nghèo

Dù rất bận rộn với công tác giảng dạy, khám bệnh, nhưng hơn chục năm qua, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phú Thiện (giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, chuyên khoa Mắt), Chủ tịch Hội Mắt kính TPHCM vẫn sắp xếp thời gian để tham gia khám bệnh, cấp mắt kính miễn phí cho người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới… Hàng trăm trường hợp bệnh về mắt đã được ông phát hiện và chuyển về thành phố để được tiếp tục chẩn trị miễn phí.

Dọn nhà làm kho!

Dù đi miền Đông hay miền Tây, biên giới xa xôi ở Tây Nguyên hay miền Trung nắng táp thì điểm xuất phát của đoàn y bác sĩ, doanh nghiệp Hội Mắt kính TPHCM cũng vẫn là nhà của Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phú Thiện. Bởi lẽ, đây chính là điểm tập kết máy đo mắt điện tử, thiết bị đo khúc xạ, mắt kính…

Từ lâu, căn nhà của bác sĩ Nguyễn Phú Thiện ở khu Tên Lửa (quận Bình Tân, TPHCM) đã trở thành địa chỉ quen thuộc, thân thương của các cô, chú, anh, chị Hội Mắt kính TPHCM.

Lần nào cũng vậy, đoàn xe chưa đến cổng đã thấy bác sĩ Nguyễn Phú Thiện đứng đó tự bao giờ. Đã quá quen thuộc, đến nơi mọi người nhanh chóng lên lầu 1, nơi có một số phòng đã được bác sĩ Thiện dọn dẹp trống để làm nhà kho chứa các máy móc, thiết bị.
Mang ánh sáng cho người nghèo ảnh 1 Bác sĩ Nguyễn Phú Thiện khám mắt cho người cao tuổi trong chuyến khám bệnh từ thiện tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An

Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói dịu dàng, nhỏ nhẹ, nụ cười khiêm tốn luôn thường trực trên môi, bác sĩ Thiện dễ gây thiện cảm với người đối diện. Làm cái nghề dạy và chữa các bệnh về mắt nên bác sĩ Thiện luôn biết cách lắng nghe, hướng dẫn bệnh nhân rất tận tình.

Đến địa điểm khám mắt cho người dân là trường học, trạm y tế hay hội trường UBND xã…, bác sĩ Thiện luôn đứng lặng lẽ quan sát, rồi chọn cho mình một cái bàn nhỏ ở vị trí khiêm nhường nhất.

Ông Lê Văn Bồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mắt kính TPHCM, cho biết: “Lần nào đi làm công tác xã hội, bác sĩ Thiện cũng chỉ mang theo một túi xách nhỏ, gọn như vậy. Ngoài các thiết bị, như: đèn chiếu, kính đeo chuyên dùng trong nhãn khoa, bác sĩ Thiện còn mang theo mấy trăm lọ rửa mắt, nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo. Đó là các loại thuốc đặc trị nhất dành cho mắt. Toàn bộ kinh phí mua thuốc là tiền được ông tự nguyện trích ra từ thu nhập qua công tác thỉnh giảng và khám bệnh tại các bệnh viện lớn ở thành phố”. 

Lớp ngoại khóa thực tế

Tham gia công tác xã hội từ thiện, mỗi người mỗi việc, dù rằng phần đông người dân đến đo độ cận, viễn, loạn thị để chọn kính nhiều hơn. Bàn làm việc của bác sĩ Thiện được xem như bệnh viện tuyến trên trong mỗi kỳ đi khám mắt, cấp phát kính miễn phí của Hội Mắt kính TPHCM tại các tỉnh, thành, vùng sâu, vùng xa… Bởi lẽ, đây là nơi mà các kỹ thuật viên đo khúc xạ phát hiện mắt của người dân có biểu hiện bị bệnh và chuyển qua cho bác sĩ Thiện.

Do vậy, bàn khám thường không đông. Đôi lúc có điện thoại gọi đến, bác sĩ Thiện bước ra ngoài và lúc nào cũng cười dặn dò: “Ca khó mấy chú giải quyết nha. “Ca dễ” để tôi”.

Các bác sĩ nhãn khoa và kỹ thuật viên đo khúc xạ thường quan niệm, chuyến đi làm công tác xã hội là một lớp ngoại khóa thực tế. Ông Trương Minh Tuấn, kỹ thuật viên khúc xạ, Bệnh viện Mắt TPHCM, cho biết: “Bác sĩ Thiện rất ân cần, tận tình. Anh em chúng tôi có người là học trò của ông, có người chưa từng học ông. Nhưng, chúng tôi vẫn kính trọng gọi ông là thầy. Khi chúng tôi phát hiện người dân có các bệnh về mắt, như: cườm khô, cườm nước, rách giác mạc… thì chuyển cho thầy Thiện. Khi thăm khám, nếu có các bệnh lạ về mắt thì thầy gọi chúng tôi lại và hướng dẫn cách chẩn trị, giải quyết. Cụ thể, như lần công tác ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, khi khám bệnh cho một người dân, bác sĩ Thiện gọi chúng tôi lại để giảng giải về bệnh đứt dây chằng thủy tinh thể. Lạ lắm, đôi mắt nhìn bình thường, nhưng qua đèn soi, chúng tôi thấy rõ con ngươi nhảy lên, nhảy xuống liên tục chứ không định vị một chỗ như mọi người. Do vậy, người dân này không thể nhìn rõ cảnh vật xung quanh. Nói thật, nếu không tham gia đi khám mắt cho người dân, cũng như bác sĩ Thiện mà không giảng giải thì chúng tôi không thể tiếp cận với những bệnh lạ về mắt như thế. Thực tế lúc nào cũng hơn sách vở nhà trường là vậy”. 

Giấy giới thiệu có bảo chứng

Đặc thù của khám mắt là không phát thuốc, nhưng đi khám mắt, tặng kính, lần nào trên bàn của bác sĩ Thiện cũng có một xấp toa thuốc. Mãi về sau, chúng tôi mới biết, toa thuốc bình thường có tên, địa chỉ, số điện thoại của bác sĩ Thiện được xem như một tờ giấy giới thiệu có “bảo chứng” hẳn hoi.

Bác sĩ Thiện cho biết: “Với lợi thế là thầy và có nhiều năm giảng dạy, đứng lớp, các bác sĩ chuyên khoa mắt đang công tác ở bệnh viện tỉnh, thành, quận, huyện ở khu vực phía Nam đều là học trò của tôi. Do vậy, khi phát hiện trường hợp nào cần nạo cườm, lột mây thịt, đặt thủy tinh thể, tôi sẽ viết toa thuốc, rồi dặn bà con đem giấy này đến các bệnh viện đa khoa huyện hay tỉnh để được tiếp tục điều trị. Nhìn thấy toa thuốc của tôi, các em biết ngay đây là bệnh nhân của thầy. Mà thầy đi làm công tác từ thiện xã hội thì các em hưởng ứng ngay. Với các bệnh nặng, chúng tôi bàn bạc với chính quyền địa phương hỗ trợ phương tiện đưa người dân về thành phố. Nếu khó khăn quá, anh em trong Hội Mắt kính TPHCM sẽ vận động để có phương tiện xuống tỉnh đưa người dân về thành phố khám. Bệnh viện Mắt TPHCM, nơi tôi đã có nhiều năm công tác; hay Bệnh viện Nguyễn Trãi đều sẵn lòng hỗ trợ để giải phẫu miễn phí những ca bệnh nặng mà bà con, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa của Hội Mắt kính TPHCM chuyển về”. 

Ông Nguyễn Văn Bồng cho biết thêm: “Hội Mắt kính TPHCM đi vào hoạt động hơn 10 năm. Bác sĩ Thiện là người rất sôi nổi, nhiệt tình tham gia ngay từ khi dự án thành lập hội còn nằm trên giấy. Ngay từ đầu, chúng tôi mong muốn hội nghề nghiệp này hoạt động hiệu quả, đúng định hướng. Mà muốn vậy thì phải có một bác sĩ chuyên khoa mắt tham gia để chẩn đoán, điều trị. Nếu không có bác sĩ Thiện thì đoàn công tác thiện nguyện của chúng tôi chỉ dừng lại ở việc đo mắt rồi cấp phát mắt kính miễn phí cho bà con. Nhờ có bác sĩ Thiện mà hàng ngàn ca phẫu thuật nạo cườm khô, cườm nước, đục thủy tinh thể… được phát hiện và tiến hành giải phẫu ngay sau đó tại các bệnh viện tỉnh cũng như trên thành phố. Người dân, đặc biệt là người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa của miền Tây sông nước còn thiếu thông tin và không được khám bệnh thường xuyên. Khi biết mình bị bệnh về mắt và được chỉ định phẫu thuật thì họ rất hoang mang, lo lắng. Kinh phí đi lại còn khó khăn, rồi còn chi phí phẫu thuật, thuốc men, ăn uống, nằm viện… Bác sĩ Thiện đã “đọc” được nỗi lo này của bà con, ông thay mặt Hội Mắt kính TPHCM, với uy tín của mình, hứa sẽ giải phẫu hoàn toàn miễn phí. Sau khi phẫu thuật, nhìn thấy rõ ràng, bà con vui mừng, phấn khởi lắm!”. 

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Phú Thiện đã được Chủ tịch nước ký tặng Huân chương Lao động hạng ba. Phần thưởng cao quý xứng đáng với vị bác sĩ, giảng viên tận tụy với nghề, với công việc thiện nguyện.

“Mang ánh sáng cho người nghèo là ước nguyện của tôi cũng như anh em ở Hội Mắt kính TPHCM. Cũng như các chứng bệnh khác, bệnh về mắt cần được phát hiện nhanh và xử lý cấp bách. Đi làm công tác xã hội rất vui, nhất là khi được chung vui với người dân, giúp họ thấy rõ sắc màu cuộc sống và có một cặp mắt khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều lúc cũng buồn, bất lực khi thăm khám cho bà con mà phát hiện bệnh lý về mắt quá nặng. Có lẽ do chúng tôi đến với bà con quá chậm chăng”, bác sĩ Thiện tâm sự.

Tin cùng chuyên mục