Mang hồn quê ra phố thị

Hai bạn trẻ dưới đây đều thuộc thế hệ 9X, trong họ đều có một mong muốn là những nét văn hóa Việt Nam được lan tỏa đến nhiều người trẻ trong nước và quốc tế. Nhiều người nói vui rằng họ đã đem những nét văn hóa mộc mạc rất quê ấy ra “phố”, bằng nhiệt huyết tuổi trẻ.
Nguyễn Thanh Nhí và bà nội
Nguyễn Thanh Nhí và bà nội

1. Gánh hát lưu diễn muôn phương là tên quyển sách được trình bày bằng hình thức artbook song ngữ Việt - Anh, do tác giả Hồ Phương Thảo biên soạn nội dung, Ngô Mỹ Triều Giang biên dịch, minh họa Nguyễn Tấn sẽ ra mắt độc giả vào cuối năm nay.

Gánh hát lưu diễn muôn phương là quyển sách mà cô gái sinh năm 1992  ấp ủ từ lâu. “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam bộ, cải lương và các điệu hò là một phần ký ức đẹp của tôi. Hồi bé, mỗi khi thấy đoàn cải lương nào đến địa phương biểu diễn là tôi háo hức lắm. Lớn lên, có cơ hội được “xê dịch” nhiều nơi, và có độ chín của sự cảm nhận, tôi chợt nhận ra, mỗi vùng miền, mỗi loại hình diễn xuất nghệ thuật của nước ta có một đặc trưng khá thú vị, cần khám phá. Từ đó, tôi sưu tập, ấp ủ thực hiện một dự án tranh minh họa để chia sẻ đến mọi người những điều thú vị ấy…”, Hồ Phương Thảo tâm sự.

Với 30 loại hình nghệ thuật diễn xướng tiêu biểu như: Nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử Nam bộ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… và 6 lễ hội dân gian như: Lễ cấp sắc, lễ hội Ok Om Bok, hội Gióng, lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui… kèm nhiều tranh minh họa đẹp mắt, Thảo mong muốn lan tỏa những giá trị nhân văn đến với nhiều người, nhất là đối với những người trẻ về văn hóa Việt Nam. 

Hồ Phương Thảo khẳng định, Gánh hát lưu diễn muôn phương là sản phẩm của lòng đam mê, hành trình tìm kiếm, khám phá và cảm nhận. Cô cũng cho biết, trong tương lai, cô cùng các cộng sự của mình sẽ giới thiệu thêm nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn xướng khác của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế bằng hình thức artbook song ngữ Việt - Anh, hay Việt - Pháp, Việt - Hàn…

Hồ Phương Thảo quê ở Vĩnh Long. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, cô quyết định chọn TPHCM lập nghiệp. Ở tuổi 23, cô đã khởi nghiệp dự án kinh doanh và phát triển cộng đồng “Board game Việt”. Hồ Phương Thảo còn là tác giả của game Sử hộ vương - Trò chơi thẻ bài, lấy cảm hứng từ những sự kiện, nhân vật lịch sử và huyền sử Việt Nam.

Bằng tình yêu với văn hóa truyền thống và mong muốn mang những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đến gần hơn với các bạn trẻ, Hồ Phương Thảo đã nhờ nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu cố vấn, dùng Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du tạo ra Tarot Kiều, kết hợp văn hóa dân gian phương Tây và văn hóa Việt Nam. Tarot Kiều của Hồ Phương Thảo là Tarot đầu tiên có nội dung của tác phẩm văn học Việt Nam kinh điển được nhiều quốc gia đón nhận như Canada, Ba Lan, Mỹ, Nhật Bản….

2. “Sau khi cho đường, các bạn thêm chút sữa tươi vào bột. Nếu thích màu nào thì các bạn cho màu đó vào rồi trộn bột đều lên giống như tui làm nè”, Nguyễn Thanh Nhí say sưa đọc thuyết minh cho clip làm bánh của anh và bà nội để đăng trên TikTok. Nhờ chất giọng duyên dáng, dí dỏm của Thanh Nhí và sự mộc mạc, gần gũi của bà nội mà các clip hướng dẫn làm bánh trên TikTok của hai bà cháu được cộng đồng mạng yêu thích. Chỉ trong thời gian ngắn, kênh TikTok Nguyễn Thanh Nhí đã có hơn 325.000 lượt theo dõi. Mỗi ngày, Thanh Nhí dành vài giờ để trả lời tin nhắn, bình luận của mọi người gửi về sau khi xem clip.

Cách đây 4 tháng, khi về quê ở Đồng Tháp tránh dịch Covid-19, nhận thấy nền tảng TikTok có rất ít người khai thác cách làm bánh thủ công nên Thanh Nhí “rủ rê” bà nội cùng thực hiện những clip hướng dẫn cách làm các loại bánh dân gian Nam bộ. Từ chiếc bánh lá mít đầu tiên được nhiều người chia sẻ, bình luận, Thanh Nhí và bà nội tự tin cho “ra lò” hàng chục loại khác nhau như: Bánh men, bánh ú, bánh cam, bánh bao, bánh phục linh, bánh tai yến…. Bà nội của Thanh Nhí giữ vai trò đầu bếp, còn anh là phụ bếp duyên dáng, hài hước. “Lúc trẻ, bà nội của mình làm ở lò bánh. Do học được nhiều công thức làm bánh hấp, bánh nướng, bánh chiên nên bà muốn chia sẻ với mọi người. Bà tôi rất vui khi được mọi người đón nhận nhiệt tình như vậy”, chàng trai 9X bày tỏ. 

Không chỉ giúp bà nội có được niềm vui ở tuổi xế chiều, chàng trai 23 tuổi còn muốn truyền tải sự gắn kết với xóm giềng qua từng thước phim mộc mạc. Thanh Nhí thường mở đầu các clip hướng dẫn làm bánh trên TikTok bằng cảnh anh đạp xe cọc cạch quanh xóm để tìm xin một ít lá cẩm, lá dứa hay mượn cái nồi về nướng bánh. Ngỡ chỉ là một chi tiết bình thường nhưng theo anh, điều này thể hiện sự gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau. 

Khi được hỏi về những dự định sắp tới, chàng trai quê xứ sen hồng hào hứng cho biết anh đang thực hiện kênh YouTube với chủ đề về văn hóa, du lịch và ẩm thực. Thông qua kênh này, Thanh Nhí mong rằng các loại bánh hay món ngon đặc trưng của miền Tây sông nước sẽ được nhiều người làm theo, góp phần gìn giữ và lưu truyền nền ẩm thực dân gian Nam bộ.

Tin cùng chuyên mục