“Mảng khuyết” ứng phó biến đổi khí hậu

Tình hình và mức độ dịch bệnh ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì thế, kế hoạch và các hoạt động cụ thể để đảm bảo sức khỏe cho người dân phải được xây dựng và tiến hành càng nhanh càng tốt

Anh Nguyễn Đình Vương, ngụ ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM, cho hay khu vực này thấp và gần sông nên thường xuyên bị ngập nước. “Một tháng hai lần nước tràn vào nhà do triều cường hoặc khi mưa lớn nước thoát không kịp cả khu này ngập vài giờ là bình thường. Nhiều khi trong nước ngập có cả váng dầu mỡ, sình rác nên khi nước rút đi rồi nhà vẫn còn nồng mùi. Vợ chồng tôi dầm mình trong nước ngập nên chân thường hay bị nấm, ngứa quá buộc phải gãi thì rất đau rát và chảy máu. Có lần chỗ bị nấm hai tuần không hết, tôi mới đến bác sĩ da liễu khám, còn lại cứ mỗi mùa triều cường là mua sẵn thuốc bôi da”, anh Vương nói. Cũng như anh Vương, những người dân ở xã Nhơn Đức hay nhiều vùng “rốn ngập” khác ở quận 12, Thủ Đức… cũng đều phải tự làm “bác sĩ” cho gia đình sau mỗi mùa ngập theo những cách tự nghĩ, tự học chứ không có đơn vị y tế nào đến hướng dẫn cụ thể họ phải xử lý môi trường và làm gì để đảm bảo vệ sinh - sức khỏe sau mỗi lần ngập. Theo các chuyên gia trong ngành y tế, nước ngập không những gây ra các bệnh về da liễu, mà còn gián tiếp gây ra một số bệnh liên quan đến hệ hô hấp, hệ tiêu hóa… do môi trường bị ô nhiễm.

Trung tâm y tế dự phòng TPHCM cho hay, ngành này chỉ xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp thiên tai, bão lũ hay các sự cố khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Còn việc hướng dẫn xử lý, phòng dịch đối với khu vực ngập thường xuyên, cục bộ vẫn chưa có phương án.

Có nhiều nghiên cứu và cảnh báo cho thấy, BĐKH và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế. Chẳng hạn, sau cơn ngập úng lớn, môi trường bị xáo trộn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng… là nguyên nhân chính gây bùng phát các dịch bệnh về đường tiêu hóa và các bệnh lây lan theo nguồn nước. Mực nước biển dâng, gia tăng nhiệt độ môi trường, thay đổi lượng mưa… là các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của một số loài muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, sự gia tăng về nhiệt độ cũng làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người. Nhiệt độ không khí tối ưu cho con người là từ 18-240C nên bất kỳ nền nhiệt độ nào nóng hơn đều có thể dẫn tới rủi ro. Khi không khí tăng lên mức 350C và môi trường độ ẩm cao là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Khi nhiệt độ đạt mức 400C thì nguy hiểm ngay cả khi độ ẩm ở mức thấp. Vì thế, với sự gia tăng nhiệt độ tại thành phố theo kịch bản BĐKH, các tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người sẽ gia tăng.

Trên thực tế, theo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TPHCM giai đoạn 2013-2015, Sở Y tế sẽ triển khai dự án đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến các loại bệnh, dịch bệnh theo mùa và các loại bệnh khác đến người dân trên địa bàn thành phố và các nguy cơ khác có khả năng xảy ra. Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa được thực hiện.

Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Thủy lợi TPHCM, cũng nhận xét y tế là lĩnh vực chịu nhiều tác động của BĐKH, không chỉ về mặt dịch tễ học. Trên thực tế, phụ nữ, người già, trẻ em và người thu nhập thấp… là những đối tượng yếu thế trong xã hội và cũng là đối tượng thường gặp vấn đề về sức khỏe nên càng dễ bị tổn thương do BĐKH. Do vậy, cần khảo sát, nghiên cứu và đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho những đối tượng này.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020, Phân viện Khoa học, khí tượng thủy văn và BĐKH đề xuất ngành y tế cần xây dựng mô hình dự báo tác động của BĐKH đến sức khỏe cộng đồng dựa trên các kịch bản đã cập nhật, đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các dịch bệnh truyền nhiễm.

12 loại bệnh bị tác động nhiều nhất bởi BĐKH

Theo thống kê của Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TP, có 12 bệnh ảnh hưởng do thời tiết thay đổi, gồm: huyết áp, cảm xúc, hen suyễn và dị ứng, đau tim, tác động đến lớp mỡ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhức đầu, đau khớp, thay đổi lượng đường trong máu và bệnh tiểu đường, cảm lạnh và cảm cúm, chứng tăng động, bệnh xoang. Và có thể sẽ xuất hiện nhiều chứng bệnh lạ.

THU SƯƠNG

Tin cùng chuyên mục