Mạng người dân Afghanistan quá rẻ!

"Cái giá của một sinh mạng? Ở Afghanistan, thấp nhất 210 USD” là tiêu đề bài báo của tác giả Jack Kimball, phóng viên hãng tin Reuters. Tác giả bài báo nêu lên một nghịch lý đang diễn ra tại Afghanistan, nơi Mỹ đang muốn dựng lên nền dân chủ trong một cuộc chiến kéo dài hơn 10 năm qua bằng những câu chuyện trả giá về mạng sống.

Mở đầu bài viết, tác giả chua chát nhận định, nếu một người dân thường Afghanistan chẳng may có thân nhân bị lực lượng NATO sát hại thì họ hãy hy vọng rằng, người đó chết dưới súng của một binh lính Đức hoặc Ý chứ không phải Mỹ hay Anh vì họ sẽ nhận được khoản bồi thường tốt hơn.

Theo một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ CIVIC (Mỹ), trong sự tính toán lạnh lùng về khoản tiền bồi thường cho các nạn nhân của cuộc chiến tranh kéo dài cả thập kỷ, quân đội Anh chỉ trả từ 210 đến 7.000 USD cho một mạng người, quân đội Đức bồi thường 25.000 USD, Ý 13.500 USD, còn Mỹ là 2.500 USD cho một người dân thường bị giết chết trong các hoạt động hợp pháp như các cuộc không kích.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một cơ chế chuẩn nào để người dân Afghanistan báo cáo về thương vong để tìm những khoản bồi thường, chính điều này đã làm xói mòn hy vọng của người dân Afghanistan về việc thực thi công lý ở những vụ giết người. Luật thường quy định những người dân làng mù chữ phải nói chính xác đơn vị quân đội nào đến nhà họ và họ là binh sĩ của nước nào, nhưng thường dân làng không thể xác định được.

Do vịn vào lẽ đó, luật sư bào chữa cho thượng sĩ Robert Bales, nghi can chính trong vụ thảm sát 16 thường dân Afghanistan, đã lên tiếng cho rằng có rất ít bằng chứng cho thấy thân chủ của mình phạm tội. Trong quá khứ, rất nhiều binh sĩ nước ngoài đã được tuyên trắng án do không tìm được bằng chứng trong các vụ sát hại các dân thường.

Dựa trên những phỏng vấn với gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng bởi các cuộc không kích quân đội Mỹ, CIVIC phát hiện rằng các tay súng đang vi phạm luật chiến tranh, quyền con người và công lý của quân đội Mỹ. Ông Trevor Keck, nhà điều tra của CIVIC, kêu gọi: “Trong những tình huống này, chúng tôi kêu gọi trách nhiệm và công lý cũng như bồi thường thiệt hại”.

Sự bồi thường rẻ mạt này góp phần tạo nên làn sóng căm phẫn lực lượng quân đội nước ngoài ở Afghanistan. Ông Rafi Nabi, 33 tuổi, một người thất nghiệp tại thủ đô Kabul giận dữ nói: “Họ phải tự hỏi bản thân rằng, một mạng người đáng giá bao nhiêu? Bạn không thể trả giá cho một mạng sống. Nếu một người nào đó giết một người Mỹ và đề nghị bồi thường bằng tiền, họ sẽ không chấp nhận điều đó”.

Thương vong dân sự do lực lượng NATO gây nên là nguyên nhân chính dẫn tới sự xích mích giữa chính phủ Afghanistan và phương Tây trong thời gian gần đây. Số nạn nhân thiệt mạng trong năm 2011 ước tính lên tới 410 người. Trong khi đó, một loạt các vụ việc trong vài tháng qua bao gồm đốt kinh Koran tại một căn cứ quân sự NATO và cuộc thảm sát ở miền Nam Afghanistan đã khuấy động cuộc tranh cãi về thời gian rút quân của quân đội nước ngoài ra khỏi nước này, một số người còn yêu cầu họ rút đi sớm hơn.

Kết quả những gì đang diễn ra ở Afghanistan, những nạn nhân vẫn là dân thường với những mức giá bồi thường được tính toán chi li. Taliban đang tìm cách trỗi dậy và khơi gợi lòng căm phẫn từ những người dân Afghanistan. Đây sẽ là một chiến trường ngổn ngang mà chính phủ của ông Hamid Karzai sẽ rất khó để dọn dẹp sau khi lực lượng quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan năm 2014. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục