Mạng truyền số liệu mang lại hiệu quả lớn cho phát triển đất nước

Triển khai từ năm 2007, đến nay mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) của các cơ quan Đảng và Nhà nước giai đoạn 1 đã hoàn thành với 3 hệ thống trung tâm đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM cùng với thiết bị truy nhập tại các cơ quan Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành tới 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc gồm 288 cổng kết nối, tốc độ 1.000 Mbps trên cáp quang dành riêng.

Đây là dự án do Bưu điện Trung ương thuộc VNPT thực hiện, có tầm quan trọng đặc biệt, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ kịp thời, chính xác sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, mạng TSL sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng Chính phủ điện tử.

Dự án mạng TSLCD của các cơ quan Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương là dự án hạ tầng truyền thông tốc độ cao, đa dịch vụ với công nghệ hiện đại, an toàn và bảo mật, cung cấp đường truyền dẫn và các cổng kết nối để liên kết các mạng nội bộ của các cơ quan Đảng và Nhà nước; truy nhập Internet tốc độ cao, có các dịch vụ gia tăng trên mạng: điện thoại IP, video IP, Email, Web….

Mạng TSLCD có khả năng cung cấp đa dịch vụ kết nối Internet VPN; mạng riêng ảo dùng cho nội bộ một đơn vị (cơ quan, tổ chức…); Extranet VPN: mạng riêng ảo giữa các mạng; Remote Access IP VPN: mạng riêng ảo truy nhập từ xa; Layer-2/3VPN: mạng riêng ảo lớp 2/3; Ipv6 VPN: mạng riêng ảo dùng IP phiên bản 6; Multicast VPN for MPLS: mạng riêng ảo quảng bá trên nền chuyền mạch nhãn đa giao thức; Inter Provider: cung cấp các dịch vụ liên kết với các nhà khai thác khác.

Mạng TSLCD đảm bảo việc trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước được thực hiện trên một hạ tầng chung có kiểm soát. Mạng có 3 cổng kết nối ra Internet tốc độ 1.000 Mbps đảm bảo cung cấp dịch vụ Internet có bảo mật, an toàn cho các cơ quan Đảng và Nhà nước. Bưu điện Trung ương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ (đơn vị được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn dữ liệu truyền trên mạng) trong việc thử nghiệm, xây dựng và triển khai các thiết bị mã hóa dữ liệu, thoại, video có tính năng bảo mật ở mức cao nhất.

Hiện nay mạng TSLCD đang cung cấp các dịch vụ Internet, hội nghị truyền hình, cho thuê đặt máy chủ và kết nối mạng riêng ảo VPN. Trong thời gian tới sẽ triển khai cung cấp các dịch vụ điện thoại IP, Data Centre, máy chủ Web, Email, IP QoS và các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Từ năm 2007 đến nay, Bưu điện Trung ương đã phục vụ rất nhiều phiên họp của lãnh đạo cấp cao với các Ban của Đảng, họp giao ban trực tuyến của các bộ, ngành, quan trọng nhất là phiên họp trực tuyến của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng với lãnh đạo 63 tỉnh thành trong cả nước được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 31-3-2009. Đây là hội nghị trực tuyến có quy mô lớn nhất trong toàn quốc đánh dấu một bước tiến trong quá trình cải cách hành chính hướng tới xây dựng một chính phủ điện tử trong tương lai, được dư luận xã hội và người dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt vào ngày 2-12-2009, thông qua kết nối trên mạng TSLCD, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có phiên thảo luận trực tuyến về biến đổi khí hậu toàn cầu với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại New York (Mỹ) và lãnh đạo một số quốc gia trên khắp thế giới.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiến hành kết nối thông tin tới tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện trên toàn quốc với khoảng 3.800 điểm kết nối. Đường trục giữa các trung tâm có tốc độ lên tới 1.200 Mbps, các đường kết nối từ TƯ về tỉnh có tốc độ 155 Mbps đối với các tỉnh, thành trọng điểm và 6 Mbps (sẽ được nâng lên 50 Mbps trong năm 2010) với các tỉnh còn lại. Trong năm 2009, mạng TSLCD đã cơ bản hoàn thành việc triển khai giai đoạn 2 tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

 HOÀNG LONG

Tin cùng chuyên mục