Đó là vấn đề nóng bỏng mà nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả những nước phương Tây đang đặt ra. Mạng xã hội Facebook, Twitter, e-mail, nhắn tin SMS… là những khái niệm không còn lạ lẫm đối với người dân toàn cầu hiện nay. Bên cạnh những lợi ích đem lại, những sản phẩm của xã hội hiện đại này cũng đang trở thành một mối lo cho xã hội khi trở thành công cụ kích động gây bạo loạn, làm mất ổn định xã hội.
Các nước như Anh, Mỹ… đang dấy lên cuộc tranh cãi về vai trò của các mạng xã hội, dịch vụ tin nhắn… Điều này được thấy rõ khi tại những nơi luôn hô hào ủng hộ tự do internet ở phương Tây cũng đang có những động thái đi ngược lại với tuyên bố của mình. Cơ quan truyền phát tín hiệu (BART) ở San Francisco của Mỹ vừa qua đã phải khóa hệ thống dịch vụ điện thoại di động tại 4 nhà ga của TP.
Theo CBS News, nỗ lực của BART nhằm dập tắt việc nhắn tin kêu gọi biểu tình. Năm 2010, sau khi website Wikileaks cho đăng tải các tài liệu mật khiến Nhà Trắng và Lầu Năm Góc giận dữ, các quân nhân của Mỹ đã bị cấm truy cập 25 website và blog đăng tải những tin tức từ Wikileaks.
Còn tại Anh, sau khi trải qua đợt bạo loạn kéo dài 4 ngày tại London hồi đầu tháng 8, Chính phủ Anh đã phải yêu cầu Cơ quan phản gián và đảm bảo an ninh nội địa Anh (MI5) vào cuộc, truy tìm những kẻ cầm đầu sử dụng dịch vụ tin nhắn tối bảo mật của Blackberry (BBM) kích động người dân. Trong khi đó, Sở cảnh sát London cũng đang tính đến chuyện đóng cửa các trang mạng xã hội như Twitter hay dịch vụ BBM.
Mạng xã hội đóng vai trò rất lớn trong các cuộc biểu tình, gây bất ổn tại Trung Đông trong thời gian qua. Do đó, chính quyền các nước này đã hạn chế truy cập các mạng xã hội. Còn nhớ vào lúc “Mùa xuân Arab” lan rộng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định mạnh mẽ rằng, Mỹ ủng hộ quyền tự do internet trên toàn cầu, và cảnh cáo các quốc gia ngăn chặn internet có nguy cơ mất đi những lợi ích có được từ việc mở rộng kết nối internet. Năm 2010, khi Trung Quốc cấm truy cập Google, Mỹ, Anh và nhiều nước phương Tây cũng đã chỉ trích Trung Quốc không đảm bảo quyền tự do internet. Nhưng sau quả bom Wikileaks bùng nổ, sau vụ bạo loạn ở Anh, dường như Mỹ và Anh bắt đầu thấm đòn tự do internet.
Bản thân mạng xã hội khi mới ra đời có vai trò rất tích cực trong việc chia sẻ thông tin, kiến thức, tình cảm… Nhưng khi mạng xã hội bị các nước phương Tây lợi dụng để kích động gây bất ổn ở các nước trên thế giới, bị một số tổ chức, cá nhân lợi dụng phục vụ ý đồ, lợi ích riêng của mình mà gây nguy hại đến cộng đồng thì mạng xã hội không còn ý nghĩa xã hội tốt đẹp nữa, đã biến tướng thành mối đe dọa xã hội như chính kênh truyền hình CBS của Mỹ nhận định.
Phát triển xã hội công bằng, dân chủ là điều mà mọi quốc gia trên thế giới đều hướng đến. Tuy nhiên, mỗi một quốc gia đều có truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán riêng. Vì vậy, tự do luôn phải được đặt trong khuôn khổ luật pháp, chuẩn mực đạo đức xã hội cho phép. Trong xã hội thông tin ngày nay, người dân được tiếp nhận thông tin từ rất nhiều kênh khác nhau. Chọn lựa kênh thông tin chính thống, tránh để các tổ chức, cá nhân bất chính lợi dụng là điều mà người sử dụng khôn ngoan cần phải làm.
Đỗ Văn