Hôm qua, 19-5, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC đã chính thức ra mắt phiên bản thử nghiệm “Mạng xã hội Việt Nam Go.vn” (với địa chỉ www.goonline.vn). Câu chuyện về việc xây dựng mạng xã hội ở Việt Nam không mới, nhưng điều đáng nói ở đây, Go.vn chính là sản phẩm mạng xã hội đầu tiên ở Việt Nam ra đời từ “đặt hàng” của Nhà nước...
Xu hướng của thời công nghệ
Thực ra trên thế giới, khái niệm mạng xã hội không phải là xa lạ. Tuy nhiên ở Việt Nam, vấn đề này được đề cập nhiều và trở thành một trào lưu thực sự là khi Yahoo! đóng cửa dịch vụ blog 360 vào tháng 7-2009. Một loạt các mạng xã hội Việt Nam được xây dựng và phát triển như ZingMe, Yume, Tamtay, Yobanbe... Tuy nhiên, tất cả những mạng này đều do các doanh nghiệp tự phát triển (bằng vốn tự có hoặc huy động từ các nguồn khác).
Chính vì thế đầu năm 2009, lãnh đạo Bộ TT-TT đã khẳng định là Nhà nước sẽ “đặt hàng” đầu tư xây dựng một mạng xã hội theo kiểu “thuần Việt Nam” và VTC (trực tiếp là VTC Intecom) đã được giao nhiệm vụ này.
Qua đây thấy rõ, các cơ quan quản lý Nhà nước chủ trương phải xây dựng những mạng xã hội riêng của Việt Nam, với những nội dung có thể từng bước định hướng theo xu thế lành mạnh và bổ ích thực sự cho cộng đồng.
Theo ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), khi chúng ta gia nhập WTO với cam kết đồng ý những dịch vụ cung cấp xuyên quốc gia như internet, chúng ta phải sống chung với cả 2 mặt xấu và tốt của những dịch vụ, ứng dụng trên internet. Theo quy định hiện hành, quản lý của chúng ta đối với dạng dịch vụ như vậy chỉ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, việc điều chỉnh và quản lý những thông tin đối với những dịch vụ trên internet mang tính xuyên quốc gia như các mạng xã hội hiện nay là một thách thức rất lớn.
Việc phát triển mạng xã hội trong nước là một nhu cầu tất yếu hiện nay, vì chúng ta cần xây dựng những mạng xã hội của Việt Nam, do Việt Nam xây dựng và quản lý, quan trọng là phải đủ sức thu hút cộng đồng mạng Việt Nam để cạnh tranh thông tin với các mạng xã hội nước ngoài.
Theo số liệu của Trung tâm Thông tin mạng Trung Quốc (CNNIC), vào đầu năm 2010, quốc gia này có khoảng 124 triệu cư dân đang gắn bó với mạng xã hội trong nước là Kaixin001.com và Renren.com. Còn tất cả những “mạng xã hội ngoại”, kể cả mạng đình đám trong mấy năm qua trên thế giới là Facebook, cùng đều phải chịu cảnh lép vế.
Các chuyên gia cho rằng, các mạng xã hội Trung Quốc thành công là do đã bản địa hóa được tối đa nội dung nên thân thiện, gần gũi với văn hóa người dùng, được Nhà nước hậu thuẫn để đảm bảo tính ổn định. Vậy liệu Việt Nam có làm được điều này không?
“Hàng đặt” cũng phải cạnh tranh
Theo phó giám đốc Công ty VTC Intecom - Nguyễn Lâm Thanh, với Go.vn, đây là lần đầu tiên cộng đồng internet Việt Nam có thể tiếp cận với một mạng xã hội hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ từ hạ tầng kỹ thuật, nền tảng công nghệ đến nội dung cung cấp. Go.vn đặt mục tiêu trở thành mạng thông tin số một của Việt Nam, chiếm 40%-50% lưu lượng truy cập mạng xã hội vào năm 2015, có khả năng phục vụ đồng thời 4 triệu người sử dụng.
Phiên bản thử nghiệm Go.vn đã xây dựng 34 phân hệ cho người dùng, tập trung vào giao tiếp, giải trí, giáo dục và tương tác với người dùng trên đồng thời cả Internet, điện thoại di động và truyền hình. Đây cũng được xem là mục tiêu chiến lược của VTC giai đoạn 2010 – 2015 và đã được Bộ TT-TT, hậu thuẫn.
Phát biểu tại lễ ra mắt ngày 19-5, Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp đã bày tỏ kỳ vọng Go.vn sẽ trở thành trường đại học tổng hợp của mọi người dân Việt Nam, cung cấp những thông tin hữu ích về truyền thống lịch sử, về văn hóa, lối sống… và sẽ trở thành ngôi nhà chung của nhân dân và công dân mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, còn nhớ sau khi dịch vụ Yahoo 360 không hoạt động, giới trẻ Việt Nam đã hào hứng và mê say với một loại hình tương tác online khác – mạng xã hội. Vào thời điểm đó và cho đến nay, Facebook vẫn là cái tên nổi trội nhất. Vào cuối năm 2009, hãng thông tấn AP đưa tin cộng đồng Facebook ở Việt Nam đã đạt mốc một triệu người sử dụng.
Cùng thời điểm đó, mạng xã hội ZingMe của VinaGame cũng hoạt động và thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng Việt Nam. Bỏ qua những tên tuổi khác, đến nay Facebook và ZingMe là 2 mạng xã hội thu hút được nhiều người Việt Nam tham gia nhất. Nếu Facebook là dịch vụ nước ngoài, thì ZingMe là sản phẩm “Made in Việt Nam”.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến nói rằng ZingMe “hút” được cộng đồng mạng là do tính năng thân thiện với người dùng trong nước, cho phép người dùng giải trí nhiều hơn Facebook, viết bài dễ dàng, gần gũi với thói quen sử dụng Yahoo! 360 trước đây...
Chính vì thế, với Go.vn sẽ là một thách thức lớn vì các mạng khác sẽ cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Và câu hỏi nhiều người đang đặt ra: Được Nhà nước hậu thuẫn, liệu mạng xã hội mới do VTC xây dựng có làm “nên chuyện”, đủ sức hấp dẫn cộng đồng để vượt qua được các mạng hiện nay?
Trần Lưu