Cây xanh có vai trò rất lớn trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc phát triển mảng xanh ở TPHCM, dù đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận song vẫn còn nhiều chuyện phải lưu tâm. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Dự án BT vốn nước ngoài đầu tiên
Một sự cố đã xảy ra đối với dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN-BL-VĐN). Khu Quản lý giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 1 vừa phải báo cáo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM việc này. Ngược dòng thời gian, cách đây gần 7 năm, vào ngày 5-12-2007, UBND TPHCM cùng với nhà đầu tư nước ngoài là GS Engineering & Construction Corp và doanh nghiệp BT (xây dựng-chuyển giao) là Công ty TNHH một thành viên Phát triển GS Sài Gòn đã cùng đặt bút ký kết dự án tuyến đường TSN-BL-VĐN.
Vào thời điểm bấy giờ, đây là dự án BT đầu tiên có yếu tố nước ngoài, được triển khai trên địa bàn thành phố theo phương thức “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” - một hình thức hiệu quả để huy động vốn đầu tư trong tình hình nguồn ngân sách eo hẹp. Cụ thể hơn, trong dự án BT có vốn nước ngoài tiên khởi này, thành phố không phải bố trí ngân sách đang eo hẹp đầu tư tuyến đường này mà để tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác. Với phương thức BT, đầu tiên thành phố có thể tận dụng được phần vốn ứng trước lên tới 120 triệu USD của nhà đầu tư để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng nghĩa thành phố không cần bỏ vốn mà vẫn phát triển được cơ sở hạ tầng, qua đó tạo điều kiện để chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh. Mặt khác, khi chấp nhận hình thức này, chủ đầu tư được giao một khu đất ở quận 2 để xây dựng và thực tế hiện khu đất này đã được chủ đầu tư triển khai xây dựng khu đô thị.
Dự án hạ tầng này có tổng chiều dài 13,6km phần đường, đi qua các quận: Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Điểm đầu từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và điểm cuối kết nối tại nút giao Linh Xuân ở quận Thủ Đức sau khi băng qua sông Sài Gòn. Toàn tuyến có chiều rộng từ 30m - 60m tùy đoạn. Trên tuyến đường này có 13 nút giao thông và nhiều cầu như cầu Bình Lợi, Gò Dưa, Rạch Lăng, cầu cạn vượt quốc lộ 13. Cuối tháng 9 năm ngoái, thành phố đã thông xe đợt 1 tuyến đường này, đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm thuộc địa bàn quận Gò Vấp đến ngã tư Bình Triệu - quận Thủ Đức với chiều dài gần 5km. Toàn bộ tuyến đường dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay. Khi đó, dự án không những giúp giải tỏa áp lực giao thông trong khu vực các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức mà còn kết nối TPHCM một cách thông suốt, thuận tiện với các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Bảo dưỡng khác bảo hành
Dự án TSN-BL-VĐN đáng tiếc lại có một trục trặc bắt nguồn từ sơ suất ghi trong hợp đồng ký kết. Tại khoản 30.1 Điều 30 Chương III Hợp đồng BT của dự án có nêu: “Doanh nghiệp BT phải khắc phục bằng phí của mình, các khiếm khuyết hoặc sai sót của con đường trong thời hạn 2 năm tính từ ngày được nêu trong biên bản nghiệm thu toàn bộ hoặc một phần…”.
Vấn đề ở chỗ, dự án không chỉ có cầu, đường và chiếu sáng mà còn có hạng mục cây xanh. Chính xác là có gần 3ha diện tích mảng xanh tại khuôn viên cầu Bình Lợi. Thời hạn bảo hành 2 năm hoặc hơn nữa không có vấn đề gì, thậm chí hoàn toàn thích đáng đối với các hạng mục khác nhưng lại bất bình thường, không phù hợp đối với hạng mục cây xanh. Đơn giản là vì cây xanh không có khái niệm “bảo hành” mà chỉ có “bảo dưỡng”. Theo định mức dự toán bổ sung chuyên ngành công viên cây xanh khu vực TPHCM được công bố trong văn bản số 3915/UBND-ĐTMT do UBND TPHCM ban hành ngày 3-8-2009, do đặc thù của lĩnh vực công viên cây xanh nên hạng mục cây xanh chỉ được chủ đầu tư bảo dưỡng chăm sóc trong thời gian 3 tháng, tính từ thời điểm hoàn thành.
Trên thực tế, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các dự án hạ tầng khác đều áp dụng bảo dưỡng chăm sóc cây xanh thời hạn 3 tháng, còn việc áp dụng thời gian khắc phục khiếm khuyết 2 năm chỉ dành cho hạng mục xây dựng thông thường về cầu, đường và chiếu sáng. Có thể nhắc đến các dự án hạ tầng lớn khác ngay trên địa bàn thành phố đã tuân thủ quy định này như dự án đại lộ Đông Tây, dự án cầu Phú Mỹ, dự án đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…
Trước sự việc như vậy, chủ đầu tư đã phải đệ đơn lên các cấp thẩm quyền xin xem xét điều chỉnh lại điều khoản liên quan tới bảo dưỡng cây xanh. Khu QLGTĐT số 1 - đơn vị quản lý địa bàn cầu Bình Lợi đã phải báo cáo lên Sở GTVT và Sở GTVT tiếp tục báo cáo lên UBND TPHCM với cùng một nội dung duy nhất: kiến nghị ủy ban chấp thuận cho thực hiện công tác bảo dưỡng đối với hạng mục cây xanh thuộc dự án TSN-BL-VĐN theo quy định hiện hành với thời gian bảo dưỡng là 90 ngày kể từ thời điểm trồng xong.
Hạng mục cây xanh gần 3ha ở cầu Bình Lợi đã được hoàn tất công đoạn trồng trọt vào cuối năm 2013 nhưng từ đó đến nay chưa thể bàn giao cho Sở GTVT chỉ vì gút mắc nêu trên, tức là gần 3ha cây xanh ở đó vẫn ngày ngày phải được chăm sóc mà không có nguồn chi phí chỉ vì duy tu thì chưa được bàn giao, bảo dưỡng chăm sóc thì đã hết hạn từ lâu.
THIỆN NHÂN