Từng có thực tế, bóng đá trẻ ở ta đi xuống khiến cả nền bóng đá ảnh hưởng theo, nhưng tới khi hô hào làm cho bài bản thì lại xảy ra chuyện mạnh ai nấy làm và phần ai nấy chạy.
Đầu tiên là chuyện những CLB có gốc gác nhà nước như Đà Nẵng, Đồng Tháp hay SLNA đào tạo cầu thủ với mục tiêu đôn lên chơi V-League. Học viện HAGL lại tính tới chuyện kết hợp với Arsenal để xuất sang châu Âu; Trung tâm đào tạo trẻ Viettel dù không có đội bóng chơi hạng chuyên nghiệp vẫn nghĩ đến việc bán sản phẩm của mình ra thị trường, còn PVF cũng làm ào ào dù chưa biết đầu ra sẽ về đâu… Lại thêm chuyện VFF ôm đồm công tác đào tạo trẻ với lứa U16, U19 chuẩn bị cho ASIAD 18 (2019) trên sân nhà khiến bao người nghi ngờ mục đích, lẫn hậu trường phía sau dự án này rất phức tạp.
Nhìn sơ qua những gì vừa kể cũng thấy bóng đá trẻ VN đang làm theo kiểu tự phát, thiếu quy hoạch, chiến lược rõ ràng. Còn các đội tuyển như U23 hay đội tuyển QG thì có gì dùng nấy, chất lượng cầu thủ hoàn toàn phụ thuộc vào việc đào tạo từ bên dưới mà không có định hướng cụ thể từ ngay ban đầu.
Bóng đá VN có cái dở là tính thủ cựu nhưng lâu nay không chịu gỡ bỏ bởi những con người cố chấp. Tức là trước đây ở ta từng có nhiều chuyên gia ngoại được đưa qua để hỗ trợ việc xây dựng bóng đá trẻ cũng như các vần đề thượng tầng khác. Thế mà cuối cùng ra về hết do chất xám của mình không được trọng dụng, thậm chí bị ngược đãi. Từ đó mọi thứ chỉ phát triển một cách tự nhiên mà không người uốn lại cho ngay thẳng.
Mấy ngày nay thông tin các trung tâm đang lao vào việc tìm kiếm tài năng nhí nhiều người thấy vui nhưng lại lo là không có sự liên kết với nhau giữa các cơ sở đó, thậm chí còn phá nhau như kiểu ăn không được thì đạp đổ. Trong khi lại đang thiếu người đứng ra để quy về một mối vì lối tư duy nhiệm kỳ của VFF.
Nên chuyện U19 VN đang chơi bóng đầy cuốn hút thật ra đó không phải là đại diện cho một nền bóng đá mà nó là tài sản của những cá nhân khác.
ĐỨC DŨNG