Mãnh liệt Sinh Tồn

Vững vàng giữa biển Đông
Mãnh liệt Sinh Tồn

Cuộc sống trên đảo Sinh Tồn, nơi xa nhất nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, càng gian khổ thì quân và dân nơi đây càng gắn bó, đoàn kết một lòng vượt qua mọi thách thức, khó khăn.

Chiến sĩ trẻ đảo Sinh Tồn trong giờ luyện tập.

Chiến sĩ trẻ đảo Sinh Tồn trong giờ luyện tập.

Vững vàng giữa biển Đông

Từ khơi xa nhìn ra đảo Sinh Tồn như một ngôi làng trù phú giữa biển Đông xanh thẳm. Ra tận cầu tàu đón đoàn công tác, thiếu tá Trịnh Công Lý, Chỉ huy đảo Sinh Tồn, kiêm Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn cùng nhiều cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo nắm chặt tay từng người, khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng ấm áp như được trở về với gia đình sau những ngày lênh đênh trên biển.

“Sóng to, gió lớn thế này được các anh, các chị lặn lội từ đất liền ra thăm và tặng quà tết cho bộ đội và bà con trên đảo thì quý báu quá. Đây chính là nguồn động viên to lớn đối với quân và dân trên đảo”, thiếu tá Trịnh Công Lý chia sẻ.

Thiếu tá Trịnh Công Lý cho biết, trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Sinh Tồn là đảo nằm xa nhất ở phía Bắc, cách bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 330 hải lý. Đảo chạy dài theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, diện tích đảo khoảng 42.000m² và nằm trên bãi san hô ngập nước cách chân đảo từ 300 - 600m. Ở đảo không có nước ngọt, khí hậu khá khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài và thường xuyên phải chịu mưa bão nhưng không theo quy luật. Tuy nhiên đảo lại có vị trí quan trọng trong cụm đảo phía Bắc khi chỉ cách các đảo như Cô Lin, Len Đao, Nam Yết khoảng trên dưới 10 hải lý.

Những người lính ở Sinh Tồn, hầu hết còn rất trẻ nhưng ý chí lại vô cùng mạnh mẽ. Pháo thủ Nguyễn Hữu Minh (24 tuổi, quê Bình Dương) đã ra đảo được gần 1 năm, chia sẻ, ai cũng biết ở đảo bao giờ cũng vất vả, thiếu thốn hơn nhiều so với đất liền nhưng với bản thân em được ra đảo công tác lại là niềm vinh dự và tự hào, vì Trường Sa là mảnh đất thiêng của đất nước trên biển Đông.

Thiếu tá Trịnh Công Lý tự hào chia sẻ với chúng tôi, 100% cán bộ chiến sĩ và các lực lượng trên đảo Sinh Tồn luôn sẵn sàng cơ động chiến đấu cao, chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thắm tình quân dân

Thắm tình quân dân

Bền chặt quân dân

Với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, đảo Sinh Tồn không chỉ như một pháo đài vững chắc hiên ngang trên biển Đông, góp phần bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam mà còn là một trong số ít những xã đảo sớm thực hiện được nông thôn mới khi trên đảo có đầy đủ công trình dân sinh thiết yếu giúp người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế và sản xuất.

Trong căn nhà khang trang, vợ chồng anh Nguyễn Quang Hưng (33 tuổi, ở Bình Định) cùng cậu con trai học lớp 3 đã rất vui mừng trước sự quan tâm chu đáo đầy đủ về vật chất và tinh thần mỗi khi tết đến xuân về. “Nhiều người cứ nghĩ rằng ra đảo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng thực ra mấy năm ở đảo rồi, cuộc sống của gia đình tôi cũng đầy đủ, no ấm như ở đất liền. Trên đảo có trường học, trạm xá nên dù có trẻ nhỏ cũng chẳng ngại. Thậm chí điện, điện thoại, ti vi có 24/24 giờ nên đời sống tinh thần rất đầy đủ”, anh Hưng chia sẻ.

Hàng xóm với gia đình anh Hưng là đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Hạnh (28 tuổi, ở Cam Ranh), dù rất bận bịu với cô con gái Nguyễn Bình Minh Thủy mới tròn một tuổi nhưng vợ chồng anh Hạnh lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi cuộc sống ở trên đảo ngày càng tốt đẹp và ấm áp hơn. “Đảo cũng là mảnh đất của quê hương, cha ông để lại nên chẳng có vấn đề gì mà không thể sống nổi được, nhất là khi được sự quan tâm, chăm lo rất chu đáo của hậu phương…”, anh Hạnh cho biết.

Từ sự ân cần chăm lo từ đất liền, cuộc sống của các hộ dân ra làm ăn sinh sống ở Sinh Tồn đã khá ổn định, nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh, rau xanh, thực phẩm tươi nhờ tăng gia sản xuất và đi biển đánh bắt hải sản. Một điều cũng rất đặc biệt thể hiện tinh thần đoàn kết giữa quân và dân trên đảo, đó là các hộ dân sau mỗi chuyến ra biển đánh bắt hải sản, dù được ít hay nhiều khi trở về đảo đều góp chung vào để chia số tiền kiếm được đều ra và tặng một phần cho bộ đội trên đảo. Về phía những người lính đảo, không chỉ giúp đỡ bà con thực phẩm, con giống gia súc, gia cầm để tăng gia sản xuất mà bất cứ hộ dân nào gặp khó khăn cần trợ giúp từ những việc nhỏ nhất như hỏng điện nước, sửa sang lại vườn rau… đều có bàn tay giúp đỡ của các anh.

Nằm ngay kế bên khu nhà dân là vườn hoa, trụ sở ủy ban, trường học, bệnh xá, bưu điện, nhà văn hóa… được xây dựng tinh tươm. Trường học trên đảo cũng khá đặc biệt với 4 lớp và 2 giáo viên. Dù có ít học sinh nhưng tất cả các em đều rất hiếu học và chăm ngoan dưới sự dạy dỗ tận tình của hai thầy giáo cũng rất trẻ là Nguyễn Ngọc Hạ (23 tuổi) và Lê Anh Đức (25 tuổi). Cả hai bạn trẻ này ngay sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang đã xung phong ra Trường Sa công tác trong 5 năm. Thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ tự tin chia sẻ, mỗi người đều có cách thể hiện tình cảm với Trường Sa, nên khi có thông tin tuyển giáo viên ra đảo là chúng em xung phong ngay.

Hoàng hôn bắt đầu buông xuống, những ngọn đèn cao áp trên đảo được thắp sáng bằng điện gió và pin năng lượng mặt trời bừng sáng, Sinh Tồn bỗng lung linh như một TP nổi. Cuộc sống trên đảo rất xa đất liền, gian khó còn nhiều nhưng càng vất vả, khó khăn bao nhiêu thì sức sống của Sinh Tồn cũng như những con người nơi đây càng trở nên mãnh liệt bấy nhiêu...

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục