Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump
Từ khi bước vào Nhà Trắng, quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về đồng minh châu Âu đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lạnh nhạt. Cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 14-3 sẽ định hình một phần chính sách của Mỹ với châu Âu.
Cuộc gặp giữa 2 tính cách
Cuộc gặp được xem là giữa 2 con người gần như trái ngược. Một bên là nhà vật lý từ Đông Đức, luôn thận trọng, thường mất nhiều thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra các quyết định và chưa bao giờ thích thú khi được mệnh danh là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất châu Âu. Trái lại, bên kia là một ông trùm bất động sản giàu có ở New York, rất thích ánh đèn sân khấu. Trong nhiều tháng qua, họ đã liên tục tranh cãi gay gắt về đường lối và chính sách. Chính vì thế, cuộc gặp được các chính phủ khắp thế giới theo dõi để tìm ra manh mối về tương lai của liên minh xuyên Đại Tây Dương, một quan hệ đối tác đã giúp hình thành trật tự toàn cầu kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel
Theo Reuters, các quan chức Đức cho biết bà Merkel đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi của mình tới Washington. Họ nói rằng bà đã xem lại những bài phát biểu của ông Trump, kể cả một cuộc hỏi đáp kéo dài với tạp chí Playboy từ năm 1990, trong đó ông Trump đưa ra nhiều ý tưởng gây tranh cãi mà ông Trump đang cố gắng thực hiện khi là tổng thống. Các thành viên trong đoàn đi cùng cũng đã phân tích cuộc gặp gỡ của ông Trump với các nhà lãnh đạo khác bao gồm Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Reuters dẫn lời ông Anthony Gardner, cựu Đại sứ Mỹ tại EU nói: “Châu Âu đang ở trong tình trạng rất mong manh, bấp bênh và Đức đang cố gắng đảm bảo vẫn có thể giữ được EU đoàn kết” trong bối cảnh ông Trump đang cổ vũ cho các bước đi kiểu Brexit. Tổng thống Donald Trump là vị Tổng thống Mỹ thứ ba mà Thủ tướng Angela Merkel, nhà lãnh đạo giữ vị trí lâu nhất ở châu Âu làm việc chung sau Tổng thống George W. Bush và Barack Obama.
Nhiều bất đồng lớn
Về cả chính sách kinh tế và đối ngoại, bất đồng giữa 2 nhà lãnh đạo có vẻ lớn. Ông Trump đã gọi quyết định của bà Merkel cho phép hàng trăm ngàn người tị nạn vào Đức là một “sai lầm thảm khốc”. Tổng thống Mỹ đã đe dọa áp đặt thuế quan lên các nhà sản xuất ô tô Đức nhập khẩu vào thị trường Mỹ và đã chỉ trích Berlin vì đã không chi nhiều tiền cho quốc phòng. Chi tiêu cho quốc phòng của Đức hiện chỉ chiếm 1,2% GDP, trong khi ông Trump cho biết chỉ sẽ quan tâm đến NATO khi đa số thành viên phải có mức đóng góp cho quốc phòng lên 2% GDP. Ngoài ra, thặng dư thương mại trị giá 50 tỷ EUR của Đức với Mỹ cũng là vấn đề lớn.
Cố vấn của Tổng thống Mỹ Trump, ông Peter Navarro, đã cáo buộc Đức đạt được những lợi thế thương mại không công bằng thông qua đồng euro yếu. Trong khi bà Merkel và các bộ trưởng đã chỉ ra rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu - chứ không phải Berlin - kiểm soát số phận của đồng tiền chung châu Âu. Các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ tìm kiếm lời khuyên từ bà Merkel về cách đối phó với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Về phần mình, bà Merkel đã phê bình về lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump nhằm vào các công dân của một số nước Hồi giáo. Trong một cuộc điện thoại vào tháng 1, bà Merkel giải thích với ông Trump rằng, Công ước Geneva bắt buộc những nước ký kết, kể cả Mỹ, phải mở cửa cho những người tị nạn chiến tranh vì lý do nhân đạo. Bà Merkel cũng lo ngại ông Trump, người đã nhiều lần ca ngợi quyết định của Anh rời khỏi EU, có thể tiếp tục làm suy yếu khối này bằng lời hùng biện của mình trong bối cảnh các đảng cực hữu đang nổi lên mạnh mẽ chống liên minh.
KHÁNH MINH (tổng hợp)