Những ngày cuối tháng 4 thời tiết Nam bộ đang bước vào đợt nắng nóng nhất trong năm và nhờ được nghỉ lễ đến 4 ngày nên nhiều người có kế hoạch cho những chuyến du lịch đến phố núi Đà Lạt nhằm tránh cái nóng. Và một trong những âu lo của du khách là nạn “cò” mứt hoành hành trong những ngày này.
Đã từ lâu, “cò” mứt thường chèo kéo, ép khách một cách sỗ sàng hoặc đeo bám dai dẳng. Ngay từ khi xe chở khách du lịch loại 16-45 chỗ leo đèo Prenn, đã có “cò” bám riết theo trong suốt những ngày du lịch để chèo kéo cho bằng được xe ghé mua hàng tại lò mứt của mình với mọi chiêu trò từ lịch sự đến hăm dọa. Mới đây, ông Trần Huy Bảy, một người ngụ ở phường 8, TP Đà Lạt phản ánh: Trong tháng 3 và 4-2016, một số tài xế thuộc các công ty du lịch bị “cò” đe dọa vì không cho xe ghé lò mứt Hoàng Thắng (ở đường Nguyễn Tử Lực) mua hàng với những hăm dọa sẽ “cho người đập bể kính xe ở dọc đường” hay “nếu không đưa xe về đó thì đừng có ân hận về tài sản và con người” làm tài xế và hướng dẫn viên rất hoang mang. Hoặc có trường hợp khi xe dừng trước lò mứt này mà khách đi qua lò bên mua cũng bị dằn mặt.
Mặc dù UBND TP Đà Lạt đã có công bố đường dây nóng nhưng du khách ít để ý nên khi xảy ra không biết xử lý ra sao. Do đó, để tạo sự thoải mái cho du khách đến với Đà Lạt, rất cần ngành du lịch địa phương chủ động phòng ngừa và mạnh tay hơn với nạn “cò” mứt, cùng các hành vi “chém, chặt” khách trong kinh doanh lưu trú, ăn uống vào kỳ du lịch nghỉ lễ 30-4 tới. Đối với các lò mứt hoặc cơ sở kinh doanh tái phạm, cần xem xét rút giấy phép kinh doanh một thời gian.
Mặt khác, chính quyền thành phố hoa cũng nên quy hoạch số lò mứt vừa phải, không nên tập trung quá nhiều tại một con đường, một điểm tham quan, dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, lộn xộn. Và người thiệt thòi nhất chính là du khách phải mua hàng với giá cao, chất lượng chưa chắc đã đúng với quảng cáo “hàng do nhà làm”
Văn Phong