Mạnh tay với lao động nước ngoài bất hợp pháp

Thời gian này, mỗi ngày có hàng ngàn lao động nước ngoài bất hợp pháp tiếp tục rời khỏi Thái Lan do lo sợ về các hình phạt của luật quản lý lao động nước ngoài mới, với mức phạt đến 5 năm tù và hàng chục ngàn USD.
Tuy nhiên, cuộc tháo chạy này đang được cảnh báo sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho nền kinh tế Thái Lan, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất lương thực, vốn dựa vào người di cư.
Mạnh tay với lao động nước ngoài bất hợp pháp ảnh 1 Lao động nước ngoài rời khỏi Thái Lan
Hạn chế nạn buôn người
Ngày 9-7, Bộ Lao động Thái Lan thông báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc việc môi giới lao động bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ môi giới lao động trái phép sẽ đối mặt với tội danh buôn người. Theo đó, hành vi đưa lao động bất hợp pháp vào Thái Lan sẽ bị phạt tù 3 - 10 năm và phạt tiền từ 600.000 đến 1 triệu baht (tương đương khoảng 17.000 - 29.000 USD). 
Trước đó, hôm 26-6, nhằm hạn chế tình trạng sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp cũng như phòng chống buôn bán người trong lĩnh vực lao động, Chính phủ Thái Lan đã thông qua Luật Lao động nhập cư mới với các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với lao động nhập cư bất hợp pháp, chủ sử dụng lao động và hoạt động môi giới lao động nhập cư trái phép.
Cụ thể, đối với chủ sử dụng lao động, nếu sử dụng lao động nhập cư không có giấy phép lao động hoặc sử dụng lao động nhập cư trong các lĩnh vực bị cấm sẽ bị xử phạt 400.000 - 800.000 baht (tương đương 11.000 - 23.500 USD)/lao động. Việc sử dụng lao động không đúng với ngành nghề đã đăng ký trong giấy phép lao động có thể bị xử phạt tới 400.000 baht/lao động. Đối với lao động nhập cư trái phép, người lao động không có giấy phép hoặc làm việc trong các lĩnh vực bị cấm có thể bị phạt tù tới 5 năm, phạt tiền 20.000 - 100.000 baht. Lao động làm việc trong lĩnh vực không đúng với giấy phép lao động có thể bị xử phạt tới 100.000 baht. 
Về quản lý lao động nhập cư, nếu chủ sử dụng lao động hay bất kỳ cá nhân nào giữ giấy phép lao động hay giấy tờ tùy thân của lao động nhập cư trái phép có thể bị phạt tù tới 6 tháng và phạt tới 100.000 baht. Các cá nhân làm dịch vụ đưa lao động nước ngoài sang làm việc mà không có giấy phép của Cục Quản lý lao động có thể bị phạt tù 1 - 3 năm và phạt tiền 200.000 - 600.000 baht. Trong khi đó, đối tượng môi giới lao động nhập cư trái phép vào làm việc tại Thái Lan có thể bị phạt tù tới 10 năm và xử phạt tới 1 triệu bath. 
Để tránh nguy cơ các đối tượng môi giới lao động trái phép lợi dụng tình trạng thiếu lao động của Thái Lan để thực hiện hành động buôn người, Bộ Lao động Thái Lan đã cho phép tất cả chủ lao động nước này được đăng ký cho các lao động Lào, Campuchia và Myanmar từ ngày 24-6 đến ngày 7-8. Tuy nhiên, thời hạn trên bị cho là quá ngắn, trong khi ước tính chỉ một nửa trong số 5 triệu lao động nước ngoài tại Thái Lan là có giấy tờ hợp pháp. 
Nguy cơ đối với nền kinh tế
Đạo luật trên đã dẫn tới tình trạng hàng chục ngàn lao động Myanmar và Campuchia bỏ về nước khiến thị trường lao động Thái Lan đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng. Theo ước tính của Cục Nhập cảnh Thái Lan, từ ngày 23 đến 28-6, đã có khoảng 60.000 lao động nước ngoài rời khỏi nước này. Ngày 6-7, Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, xuất khẩu gạo của nước này trong 6 tháng cuối năm 2017 có thể không đạt được mục tiêu đề ra do tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng tại các cảng biển và đây là hậu quả của luật quản lý lao động nước ngoài vừa được ban hành. Số công nhân bốc vác tại các cảng biển của Thái Lan đã giảm từ 30% - 40% sau khi luật lao động mới được ban hành. 
Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) cầm quyền tại Thái Lan cũng đã ra lệnh cho Bộ Lao động nước này xem xét lại luật quản lý lao động nước ngoài vừa được ban hành do dẫn tới tình trạng lao động nước ngoài ồ ạt bỏ về nước, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.  
Hàng triệu lao động đến từ các nước láng giềng như Campuchia và Myanmar đóng vai trò quan trọng trong các ngành kinh tế lớn của Thái Lan như ngành xây dựng, sản xuất lương thực, đánh bắt và chế biến hải sản có doanh thu hàng tỷ USD. Lao động nhập cư làm những công việc mà người Thái Lan khá giả đã từ bỏ với mức lương tối thiểu là 305 baht (khoảng 9USD)/ngày, nhiều hơn 3 lần so với mức lương ở Myanmar. Giới chuyên gia nhận định, việc đưa ra các hình phạt đối với lao động không đăng ký sẽ tạo điều kiện cho cho quan chức tham nhũng và giới chủ lao động tăng cường nạn lạm dụng, bóc lột lao động nhập cư. Thái Lan cần phải có đạo luật bảo về quyền lợi của lao động nhập cư, thay vì một đạo luật khiến họ sợ hãi và dẫn đến một cuộc tháo chạy ồ ạt.
Malaysia cũng mạnh tay
Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Thái Lan, ngày 1-7 vừa qua, các cơ quan chức năng của Malaysia đã tiến hành chiến dịch truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp trên toàn quốc trong bối cảnh số lượng người nhập cư bất hợp pháp tăng mạnh ở Malaysia. Theo Cục Nhập cư Malaysia, từ đầu năm nay tới nay, Malaysia đã tiến hành gần 6.000 cuộc truy quét, kiểm tra 62.654 người nước ngoài và bắt giữ gần 18.000 trường hợp. Những người bị bắt giữ đến từ Indonesia, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Philippines và Afghanistan, đều ở trong độ tuổi 25 - 40.
Liên đoàn Chủ sử dụng lao động của Malaysia ước tính, tổng số lao động nước ngoài lên tới khoảng 6 triệu người, bao gồm cả hợp pháp và bất hợp pháp. Còn Bộ Nguồn nhân lực của Malaysia cho hay, nước này hiện có khoảng 2,1 triệu người lao động nhập cư đăng ký hợp pháp, trong khi con số bất hợp pháp là hơn 1 triệu người. 
Nhiều khu vực kinh tế Malaysia phụ thuộc vào lao động nhập cư như xây dựng, sản xuất, nông nghiệp và các ngành dịch vụ… Vì vậy, những cuộc truy quét đối với lao động nước ngoài có thể khiến các công trình xây dựng bị chậm lại, thiếu hụt công nhân ở các đồn điền, nhà máy… gây thiệt hại lớn cho giới chủ và qua đó ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á. Nhiều người Malaysia chỉ trích, điều luật mới của chính phủ phá hoại nền kinh tế của đất nước vì lao động nước ngoài làm những việc mà người Malaysia không chịu làm. Các nhóm nhân quyền cảnh báo, điều luật này sẽ ảnh hưởng đến những người xin tị nạn thật sự vì họ có nguy cơ bị kết tội khi về nước.
Và cuối cùng, nói như ông Keith Leong - chuyên gia nghiên cứu ASEAN của KRA Group, có trụ sở tại thủ đô Kuala Lumpur, vấn nạn lao động nhập cư bất hợp pháp tồn tại dai dẳng là do các nước ASEAN thực thi luật pháp yếu kém cũng như chính sách bảo vệ lao động nhập cư yếu ớt.

Tin cùng chuyên mục