Nợ xấu - ở đây được hiểu là bất động sản (BĐS) - được ví von là cục máu đông của nền kinh tế, một nền kinh tế khỏe mạnh chắc chắn không có máu đông! Trước đây, BĐS đóng băng gây tắt nghẽn nền kinh tế, nay thị trường ấm lại nhưng việc xử lý nợ xấu không hề dễ dàng!
Một dự án nhà ở tại khu đông, có vị trí khá tốt, cách đây 7 năm chủ đầu tư đã xây xong móng. Lúc đó thị trường khó khăn, việc bán buôn không trôi, dự án bất động cho đến nay. Tuy vậy trong giới săn dự án, khu đất này được đánh giá cao, nhiều chủ doanh nghiệp đàm phán mua lại. Sự việc cuối cùng chẳng đi đến đâu, cho đến khi ông tổng giám đốc công ty tiết lộ sự thật. Hồi đó, khi mua khu đất vào thời điểm sốt của năm 2007 và được hạch toán trên sổ sách là 300 tỷ đồng, với giá hiện tại thì thẩm định lại còn… 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu bán với giá này công ty sẽ bị lỗ 100 tỷ đồng, vậy lấy tiền ở đâu bù vào. Vả lại, đây là công ty nhà nước, nên việc bán lỗ sẽ bị chụp vào tội làm thất thoát tài sản nhà nước, dễ bị vướng vòng lao lý... Do đó, chủ đầu tư quyết không bán khu đất dưới giá vốn, trong khi hiện nay lãi mẹ đẻ lãi con, giá vốn đã nâng lên gần 400 tỷ đồng!
Giám đốc một công ty địa ốc nọ, là chủ một dự án dở dang nằm phơi sương nắng ở khu Nam Sài Gòn chua xót ví von, chỉ trong giai đoạn ngắn, thị trường BĐS đóng băng đã bào mòn sức khỏe ghê gớm, từ một tuổi trẻ sung sức, chỉ 5 năm sau đã như một ông già cộm rộm! Thời sốt đất, ông kỳ vọng lời 500 triệu USD với giá bán trên mây từ dự án này, nhưng rồi mọi thứ đổ sụm. Ông “cày” khắp thế giới, trong một thời gian ngắn, hai cuốn hộ chiếu đã đóng kín dấu xuất - nhập cảnh, nhưng không tìm được một đối tác nào khả dĩ. Khi công ty mua bán nợ xấu ra đời, sau vài lần làm việc, ông hớn hở khoe: “Xử lý được rồi”. Nhưng ba tháng sau, ông lại ỉu xìu: “Nó không chịu mua”! Cái khó của dự án nằm ở chỗ: dự án đã từng vay 1.000 tỷ đồng, rồi sau một lần đảo nợ vay tiếp 1.000 tỷ đồng nữa; lãi mẹ đẻ lãi con, giá vốn đã đội lên gấp 3 giá trị khu đất, thế là không ai dám mua. Cho đến nay, dự án vẫn phơi nắng sương, đương nhiên trong sổ sách, đây là cục nợ xấu to chình ình!
Trường hợp như trên tại TPHCM rất nhiều, lộ thiên nhất là những dự án xây dựng dở dang, bỏ trôi từ năm này sang hết năm khác, còn không là rào tôn vây lại, ở trung tâm thành phố cũng có, mà các quận, huyện vùng ven cũng không hiếm! Thống kê từ UBND TPHCM, hiện tại còn hơn 500 dự án tạm dừng triển khai và chưa thể triển khai. Tất nhiên, hàng tồn kho đó sẽ đi liền hàng núi tiền đang bị “chôn” vào đất. Hiện nay tình trạng phổ biến là “cùng nhau gồng”: ngân hàng chờ chủ đầu tư, chủ đầu tư chờ thị trường; mà khổ nỗi, chờ đến bao giờ khi chi phí đầu tư vào đất đã vượt xa giá trị thật gấp nhiều lần, chắc chắn một cơn sốt giá đất như năm 2007 sẽ không bao giờ lặp lại! Rõ ràng muốn cắt cục “máu đông” như thế, đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt, hành động tổng thể để cho tiền đã lỡ chôn vào đất phải quay lại chu cấp sinh lực cho nền kinh tế: khoanh nợ - giãn nợ đối với những trường hợp có thể tiếp tục triển khai, những trường hợp không có thuốc chữa phải làm thủ tục phá sản. Có như vậy mới trả lại cho thị trường BĐS phát triển minh bạch, mới là một cơ thể khỏe mạnh đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế cũng như ngân sách hết sức khó khăn, sự cương quyết cắt cục máu đông này cần gấp rút hơn bao giờ hết!
LƯƠNG THIỆN