Mạnh tay xử lý vi phạm kinh doanh mỹ phẩm

Trong hàng loạt sản phẩm, mặt hàng bị làm giả, làm nhái thương hiệu đáng báo động hiện nay có ngành hóa mỹ phẩm.
Người tiêu dùng chọn mua mỹ phẩm
Người tiêu dùng chọn mua mỹ phẩm

Đặc biệt, hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực mỹ phẩm thường được kinh doanh, bán buôn tràn lan ở các chợ truyền thống, cửa hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc trà trộn với hàng thật ở các tỉnh, thành lớn. Trong khi đó, quy định về chế tài xử phạt các vụ việc vi phạm ở lĩnh vực này quá thấp, không đủ sức răn đe… 

Đội lốt hàng xách tay

Theo nhiều người tiêu dùng tại TPHCM, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã và đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Thông qua nhiều kênh bán buôn, kinh doanh như chợ truyền thống, cửa hàng, trung tâm thương mại, bán hàng online… hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã trà trộn và dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Từ đó, tác động tiêu cực đến đời sống người dân, môi sinh - môi trường, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… ảnh hưởng xấu tới thị trường và môi trường đầu tư trong nước.

Chị Thanh Hà, cư ngụ tại quận 5, cho biết hiện nay người tiêu dùng có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận hàng hóa không chỉ có nguồn gốc sản xuất trong nước mà ở nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, cùng với xu hướng thị trường thương mại tự do, người tiêu dùng dễ dàng mua sắm sản phẩm nước ngoài bằng hình thức online. Tuy nhiên, đây cũng chính là những “cạm bẫy” mà người tiêu dùng có thể bị mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vì chủ yếu người bán và người mua tin nhau là chính.

Để tiết kiệm chi phí tiêu dùng cá nhân, chị Phương Vy, cư ngụ tại quận 11, cho hay thường chọn mua sắm online những mặt hàng mỹ phẩm “xách tay”. Tuy nhiên, nếu mua sắm online, người tiêu dùng phải có kiến thức về sản phẩm mình muốn mua và tìm kiếm những kênh bán hàng uy tín. Đơn cử, nếu mua hàng trên các địa chỉ thương mại điện tử có đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước thì sản phẩm đa số đảm bảo được chất lượng, cho đổi trả và giao hàng tận nơi. Còn ngược lại, người tiêu dùng phải lường trước rủi ro về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Ghi nhận thực tế trên thị trường TPHCM, hàng chính hãng thường tập trung ở các trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ hiện đại, cửa hàng giới thiệu sản phẩm chính hãng hay đại lý phân phối chính thức của nhãn hàng. Còn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thường len lỏi vào kênh bán lẻ truyền thống, cửa hàng, tiệm tạp hóa… trong khu dân cư. Cụ thể, hàng giả, hàng nhái và nhập lậu các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước thường kinh doanh, bán buôn tràn lan ở các chợ truyền thống, cửa hàng mỹ phẩm ở quận Gò Vấp, quận 5, quận 6… với hình thức theo bộ, có giá từ 50.000 - 120.000 đồng/sản phẩm. Đồng thời, kinh doanh qua kênh thương mại điện tử với hình thức hàng xách tay, có giá thấp hơn gấp nhiều lần. Kết quả khảo sát trên thị trường, sản phẩm hàng giả và nhập lậu của một số nhãn hiệu nước ngoài như nước hoa, sáp vuốt tóc, kem chống nắng… chiếm đến 75% thị phần, không chỉ gây hại cho doanh nghiệp mà còn gây thất thoát thuế của nhà nước. 

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là các đơn vị sản xuất kinh doanh phải chủ động điều tra và cung cấp thông tin chi tiết về điểm bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đến cơ quan chức năng. Mặc dù vậy, thời gian thực hiện kiểm tra (nếu có) thường diễn ra sau khi nhận công văn từ 1 - 3 tháng; hay từ chối kiểm tra các điểm bán trên mạng với nhiều lý do như không có chuyên môn nghiệp vụ, hạn chế nguồn nhân lực… Đặc biệt, các vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng.

Chế tài chưa đủ răn đe

Một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành mỹ phẩm cho rằng, những thách thức của cơ quan chức năng trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là khả năng tiếp nhận các tài liệu nước ngoài (như tờ khai hải quan để làm chứng cứ chống lại những đối tượng xuất nhập khẩu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại Việt Nam) còn hạn chế. Đồng thời, các biện pháp xử phạt hành chính chưa đủ tính răn đe nên không phát huy được hiệu quả trong thực tiễn. 

Đánh giá hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang phá hoại nền kinh tế, làm xấu môi trường đầu tư, luật sư Nguyễn Thị Hương, điều hành Văn phòng Luật VNIP, cho rằng các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cần được nâng cao năng lực cũng như hướng dẫn về việc chấp nhận chứng cứ dựa trên nền tảng cơ sở khung pháp lý chặt chẽ và các quy định nghiêm khắc, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tăng cường hợp tác giữa chủ sở hữu nhãn hiệu để thực thi hiệu quả hơn nữa trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết theo Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định về khung hình phạt với “hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm hàng hóa” mức phạt cao nhất chỉ từ 7 - 10 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng. Mức phạt này thiếu tính răn đe. Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, cho hay từ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lực lượng quản lý thị trường TPHCM nhận thức rõ tầm quan trọng của sự tăng cường hợp tác với các đơn vị liên quan để nâng cao hiệu quả công tác. Trong đó, việc doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cần thiết cho lực lượng chức năng về các vụ việc, đối tượng vi phạm là biện pháp khả thi nhất để từng bước đẩy mạnh các giải pháp thực thi, xử lý theo pháp luật.

Theo đại diện một số sở ngành, vai trò của doanh nghiệp, đối tượng chủ quyền trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là rất quan trọng. Do đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tích cực đồng hành cùng cơ quan chức năng, thiết lập cầu nối với người tiêu dùng, nâng cao nhận thức và hiểu biết xã hội về thói quen tiêu dùng hàng hóa chất lượng, an toàn sử dụng. Các đơn vị sản xuất kinh doanh không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… Trong đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh cần chủ động nghiên cứu đầu tư cải tiến chất lượng bao bì, nhãn mác sản phẩm, nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thương hiệu. Đặc biệt, tem chống hàng giả cũng là biện pháp hữu hiệu giúp chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Thống kê trong quý 1-2018, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra 135 vụ buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu… Trong đó, có 21 doanh nghiệp chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp có yêu cầu, phối hợp kiểm tra xử lý. Qua quá trình kiểm tra, thanh tra, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện và xử lý tang vật chủ yếu là các mặt hàng mỹ phẩm, giày dép, quần áo thời trang, mắt kính, đồng hồ, phụ tùng xe máy…

Tin cùng chuyên mục