Mạo nhận đặc sản mùa nước nổi

Nam bộ vào mùa nước nổi, nhiều thủy sản mùa nước nổi từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được đưa lên TPHCM tiêu thụ. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn thủy sản trong môi trường tự nhiên ngày càng khan hiếm, nhiều người vì muốn kiếm lợi nhuận đã trà trộn các loại thủy sản nuôi công nghiệp, mạo nhận là thủy sản mùa nước nổi để lừa người mua, với giá bán cao gấp 2 lần.

Dọc các tuyến đường quốc lộ 1A, quốc lộ 50 hay tỉnh lộ 10… nối TPHCM với địa bàn tỉnh Long An, xuất hiện nhiều điểm bán thủy sản mùa nước nổi ở ven đường. Phổ biến nhất là bán cá với tấm bìa ghi “cá đồng”, nhưng thật ra là cá nuôi.

Để đánh lừa khách mua, người bán thường lấy dao cạo một chút vảy cá ở đầu, đuôi hoặc giữa thân cá. Khi khách hỏi mua, người bán sẽ nói là cá đồng mới kéo từ lưới lên, bị trầy xước. Nhưng đó chưa phải là chiêu thức duy nhất, nhiều điểm bán thủy sản ven đường còn cố ý để vài con cá to nhỏ khác nhau trên chiếc mâm inox, để nói với khách hàng là bữa nay chỉ đánh bắt được có từng này cá.

Sau khi khách mua xong, họ lại tiếp tục lấy thêm vài con nữa đặt lên để bán cho người khác. Anh Nguyễn Văn Tâm (ở huyện Hóc Môn) cho biết, trên đường từ Long An về, anh có dừng lại dọc đường mua mấy con cá lóc đồng, nhưng về nhà xem kỹ mới nhận ra là cá lóc nuôi công nghiệp.

Ngoài thủy sản, cũng có nhiều người bán chuột, rắn, chim… được nuôi tại các điểm tập trung, nhưng giới thiệu là đặc sản tự nhiên mùa nước nổi miền Tây để bán với giá cao hơn gấp nhiều lần. Thậm chí như cá linh non là đặc sản chưa nuôi nhân tạo được, nhưng nhiều vựa ở miền Tây nuôi loại cá trôi Ấn Độ nhỏ, có hình dạng tương tự như cá linh, rồi gắn biển rao bán “cá linh non”.

Tin cùng chuyên mục