(SGGP).- Theo các đại biểu dự hội thảo “Mô hình bán lẻ mới - Cơ hội phát triển cho các đơn vị kinh tế tập thể TPHCM” diễn ra ngày 6-12 (do Liên minh HTX phối hợp Sở Công thương tổ chức), nguyên nhân làm chậm chân các đơn vị kinh tế tập thể là thiếu mặt bằng và vốn.
Thống kê của Sở Công thương cho thấy toàn TPHCM có 126 hợp tác xã (HTX), hơn 200 cửa hàng, điểm bán lẻ. Nhiều mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, được người tiêu dùng tín nhiệm. Liên minh HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) là một điển hình. Liên tục từ năm 2004-2010, Saigon Co.op được bình chọn là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, các HTX quản lý, kinh doanh chợ, dịch vụ nhà hàng, đại lý phân phối độc quyền cũng hoạt động có hiệu quả cao. Trong số 24 HTX đang quản lý, kinh doanh, khai thác chợ tiêu biểu có HTX TM-DV Chợ Tân Kiểng (quận 7), HTX Thương mại Bình Tây (quận 6)…
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn tìm hướng đi cho mô hình này trong thời gian tới. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thỏ Việt (huyện Củ Chi): “Các xã viên HTX đang thiếu vốn. Chúng tôi rất mong nhận được nguồn kinh phí để hội viên có thể tái sản xuất”.
Đại diện lãnh đạo HTX Củ Chi bổ sung thêm: vốn là vấn đề cấp bách đối với HTX. Sản phẩm của HTX muốn được đông đảo người tiêu dùng biết đến phải có kinh phí. Như vậy mới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của bà con xã viên. Nhiều HTX kiến nghị được thuê mặt bằng kinh doanh, sản xuất dài hạn từ 10 - 30 năm với giá ưu đãi. Tránh trường hợp thu hồi mặt bằng đối với các HTX đang hoạt động ổn định, hiệu quả.
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Khoa thừa nhận rất ít trong số các HTX được vay vốn ngân hàng, hoặc được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất. Ông Lê Văn Khoa cho biết sẽ đề đạt lên cấp trên toàn bộ nguyện vọng của các đại diện HTX, góp phần giúp đỡ bà con xã viên yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế trong thời gian tới.
T. HỒNG