Mất cân đối cung cầu, giá vàng trong nước khó giảm sâu

Giá vàng thế giới: Diễn biến khó lường

Đóng cửa trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới ở mức 1.328,7 USD/ounce, giảm 40 USD/ounce (900.000 đồng/lượng). Tuy nhiên, cùng ngày giá các loại vàng miếng trong nước chỉ giảm hơn 500.000 đồng/lượng so với đầu tuần khi chốt ở mức 32,76 - 32,79 triệu đồng/lượng (thu vào) 32,83 - 32,84 triệu đồng/lượng (bán ra). Các chuyên gia cho rằng sở dĩ có sự chênh lệnh lớn này là do thị trường đang mất cân đối cung cầu.

Giá vàng thế giới: Diễn biến khó lường

Giới phân tích cho rằng, trong tuần qua sở dĩ giá vàng thế giới rớt mạnh là do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ tăng lãi suất cho vay; thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ khẳng định không theo đuổi chính sách hạ giá đồng USD; quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust liên tiếp 4 ngày (từ 18-10) liên tục bán ra 3,64 tấn vàng lần thứ 4 trong tuần, còn nắm giữ 1.298,27 tấn… khiến giá vàng thế giới “bốc hơi” giảm hơn 40 USD/ounce.

Nếu trong tuần qua giá vàng biến động lớn, thì ngày 22-10 vàng đã thực sự “rõ mặt” của loại quý kim được nền kinh tế lớn trên thế giới lấy ra làm giá trong giai đoạn vẫn còn ảnh hưởng cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nhận định về đường đi của loại quý kim này trong thời gian tới, theo phân tích của các chuyên gia nghiên cứu thị trường tiền tệ của Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ), giá vàng thế giới hiện đang chịu áp lực giảm giá trong ngắn hạn do đồng USD tăng mạnh trước những thông tin kinh tế tốt, đặc biệt là việc chần chừ triển khai kế hoạch QE2 (nới lỏng tiền tệ) của FED. Tuy nhiên về trung hạn và dài hạn, phần lớn các nhà phân tích cho rằng giá vàng thế giới vẫn còn nhiều “cửa” tăng do nền kinh tế thế giới nói chung mà đặc biệt là nền kinh tế Mỹ vẫn chưa sáng sủa nên xu hướng tăng cường dự trữ vàng của các ngân hàng Trung ương vẫn còn là giải pháp hữu hiệu đối với nền kinh tế các nước.

Giá vàng trong nước: Khó giảm sâu?

Nhận định về việc giá vàng trong nước hiện quá cao so với giá vàng thế giới, đa số các chuyên gia đều cho rằng do ảnh hưởng của việc mất cân đối cung cầu. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất đi hơn 70 tấn vàng trong khi cuối tháng 9, đầu tháng 10 mới nhập trở lại có 9 tấn. Suốt thời gian dài không được nhập, trong khi nhu cầu của thị trường thị lại quá cao, khối lượng giao dịch tại hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều bán ra số lượng vàng gấp 2 - 3 lần so với số lượng vàng thu trở lại. Điều này càng làm cho lượng vàng lưu thông trên thị trường ngày càng ít đi. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp ngay sau khi bán ra thường tìm mọi cách mua vào cắt lỗ ngay lập tức nhằm bảo toàn vốn bằng cách nâng giá mua cao lên. Bên cạnh đó, việc giá vàng trong nước quá cao như hiện nay còn do ảnh hưởng bởi giá USD quy đổi (với mức giá tính đến chiều 23-10 là 20.250 đồng/USD thì giá vàng trong nước tính ra cao hơn giá thế giới hơn 800.000 đồng/lượng).

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), do nhu cầu vàng ngày càng tăng cao trong khi đó nguồn cung lại khan hiếm nên khoảng một tuần qua trên thị trường có dấu hiện “gom” USD để nhập lậu vàng? Điều này, khiến cho giá USD cũng lên cơn sốt như vàng. Không những thế, do thời gian qua các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động vàng và USD khiến cho 2 loại “tiền tệ” này càng tăng giá trị.

Lê Na

Tin cùng chuyên mục