Mất dần diện tích trồng điều

Hệ lụy của cơn “sốt đất” thời gian qua đã khiến hàng trăm hécta điều xanh tốt ở tỉnh Bình Phước thành những bãi đất hoang.

Hai bên con đường đất vào khu Đồi Trọc thuộc đội 2, ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) vốn ngút ngàn màu xanh của điều và cao su. Đây được xem “lá phổi xanh” cho TP Đồng Xoài và các xã lân cận huyện Đồng Phú hướng đi Mã Đà, nhưng cơn “sốt đất” đã lấn dần những vườn cây cao su và điều.

Chỉ riêng 2 xã Tân Phước, Tân Hưng đã có trên 10 dự án bán đất nền tập trung. Hàng trăm hécta điều, cao su nhường chỗ cho những bãi đất hoang, xe ủi, xe ben chở đất cày xới trên đường dân sinh.
Từ ngã ba vào Hoa viên nghĩa trang nhân dân Đồng Phú, theo con đường đất vào khu Đồi Trọc, hai bên đường treo đầy bảng giá bán đất nền từ 350-499 triệu đồng/nền. Điều đáng nói, các dự án phân lô bán đất nền gần đây đã đi sâu vào vùng dốc, vùng đồi, mua đất vườn với giá cao (từ 3-4 tỷ đồng/ha) để phân lô. Qua dốc đá, ấp Suối Da, hai bên đường vào Đồi Trọc đã có nhiều bãi đất trống đến hàng trăm hécta.

Trước đây, vùng này điều xanh tốt, được mùa. Một số hộ dân ở khu vực này sống nhờ cây điều hàng chục năm nay giờ cũng bỏ vườn chạy theo lợi nhuận trước mắt. Ông Hoàng Lộc, ấp Phước Tiến, xã Tân Phước, có vườn điều ấp Suối Da, nói: “Vườn điều giáp ranh họ đã bán cho dự án 3,5 tỷ đồng/ha. Chắc tôi cũng bán thôi, đất vườn có giá quá, trồng điều mỗi năm thu chẳng bao nhiêu. 3ha điều ghép của nhà được 5 năm tuổi, họ trả trên 10 tỷ đồng”.

Một hộ dân khác ở ấp Suối Da, xã Tân Hưng bán 2ha điều, giá 2,5 tỷ đồng. Chỉ sau 2 tháng có người mách rằng vùng đất đó đang có dự án làm con đường tránh Đồng Xoài, nay giá trên 9 tỷ đồng. Thế rồi, vợ đổ lỗi chồng do bán đất vườn điều sớm nên mất số tiền lớn. Chẳng biết thực hay ảo nhưng “cò” đất đến rao giá đã làm gia đình bất hòa.

Tuy nhiên, nhiều chủ vườn vẫn kiên quyết giữ đất giữ vườn kinh tế. Ông Lê Tuấn (ở phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài) có 18ha điều và cao su, cho biết: “Dù họ mua đất vườn cao cỡ nào tôi cũng không bán. Gia đình tôi cũng không túng thiếu để phải bán đất. Ngày nào không vào thăm vườn điều là tôi thấy buồn, vì vườn mình nuôi gà, thỏ, có ao cá mang lại thu nhập kha khá”.

Thời gian gần đây, cơn “sốt đất” lắng xuống vì dự án cầu Mã Đà nối Bình Phước và Đồng Nai không khả thi, bởi ảnh hưởng vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, tuy nhiên, vùng đất điều vẫn mai một, giảm nhiều theo các dự án khu dân cư và chỉnh trang đô thị. Người dân buộc phải lựa chọn, giá cả hạt điều và mủ cao su giảm mạnh thì màu xanh của điều thưa dần là điều khó tránh khỏi.

Lẽ ra, khi quy hoạch xây dựng dự án khu dân cư, khu công nghiệp, ngành chức năng cần tính đến yếu tố địa hình, nên giữ lại đất làm nông nghiệp, không san ủi bằng mọi giá để không gây tác động xấu đến môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục