“Bắc Kinh sẽ mất lợi thế vì không gửi hai đại diện cấp cao đến dự hội nghị chung Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB) tại Tokyo”. Đây là cảnh báo của Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde trước thái độ tẩy chay của Trung Quốc tại kỳ họp tài chính thường niên của hai định chế tài chính lớn nhất thế giới.
Theo bà Lagarde, không tham dự có nghĩa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không xuất hiện trong các cuộc thảo luận cũng như để đưa ra quyết định quan trọng liên quan đến tình hình kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều trở ngại như hiện nay.
Bên cạnh việc không cử các đại diện là Thống đốc Ngân hàng và Bộ trưởng Tài chính, hàng loạt các ngân hàng hàng đầu tại Trung Quốc cũng không tham gia hội nghị trên. Mặc dù các quan chức Trung Quốc không đưa ra bất kỳ lý do chính thức nào cho quyết định vắng mặt của họ tại hội nghị IMF và WB nhưng tờ Dow Jones Newswires cho rằng cuộc tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản là lý do chính khiến Bắc Kinh tẩy chay hội nghị ở Tokyo. Quyết định tẩy chay của Trung Quốc không nằm ngoài mục đích khẳng định quan điểm về cuộc tranh chấp quần đảo trên biển Hoa Đông. Đây là dấu hiệu cho thấy quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này từ chính trị đã lan sang lĩnh vực kinh tế.
Tờ Wall Street Journal nhận định, với ý định đang cần tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài chính thế giới, Bắc Kinh cần phải xem IMF và WB như những công cụ để tham gia nhiều hơn vào chính sách tài chính và tiền tệ toàn cầu. Việc Trung Quốc để cho các đại diện cấp cao và các ngân hàng lớn của mình tẩy chay cuộc họp thường niên của IMF và WB tại Tokyo chẳng khác nào cho dư luận thấy Bắc Kinh không sẵn sàng bỏ qua những mâu thuẫn để hợp sức cùng với các định chế quốc tế giải quyết các công việc của thế giới cũng như tăng cường kết nối với nhiều quốc gia khác trên toàn cầu.
Sự đối đầu quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã gây lo ngại bởi đây là mối quan hệ quan trọng đối với thế giới. Nhật Bản gặp nhiều khó khăn khi xuất hiện phong trào tẩy chay hàng Nhật tại Trung Quốc khiến doanh số sản xuất, kinh doanh của nước này bị sụt giảm. Nhưng Trung Quốc cũng sẽ gặp không ít bất lợi. Nếu các công ty Nhật Bản rời đi, người Trung Quốc sẽ mất không ít việc làm. Theo giới chuyên gia, kinh tế của hai nước cần tới nhau trong rất nhiều phương diện, từ đầu tư, thương mại, ngoại thương đến du lịch. Do đó, nếu mâu thuẫn chủ quyền lan sang kinh tế thì chắc chắn sẽ chẳng có bên nào được lợi, nhất là khi thị trường châu Âu và Mỹ đang co cụm và kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Bà Lagarde từng kêu gọi hai nước Trung-Nhật bỏ qua những bất đồng vì nền kinh tế thế giới ảm đạm hiện nay cần hai người khổng lồ châu Á này hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Những gì diễn ra cũng cho thấy đối với hai nền kinh tế có quy mô thứ hai và thứ ba thế giới, mâu thuẫn giữa hai bên càng khó được giải quyết bao nhiêu thì bất lợi cho hai bên càng xuất hiện nhiều bấy nhiêu, nhất là trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang dẫn tới nền kinh tế “nhất thể hóa”.
THANH HẰNG