Mặt trái sách vỉa hè

Giá nào cũng lời
Mặt trái sách vỉa hè

Đã có lúc người ta còn định xếp sách vỉa hè vào một trong những nét văn hóa mới của người dân TPHCM bên cạnh các quán cà phê lề đường. Tuy nhiên sau đó, sách vỉa hè đã bắt đầu bộc lộ những mặt trái như lấn chiếm vỉa hè, tiếp tay tiêu thụ sách lậu…

Sách đủ loại được bày bán trên vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM. Ảnh: AN DUNG

Sách đủ loại được bày bán trên vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM. Ảnh: AN DUNG

Giá nào cũng lời

Giữa những ngày Vu Lan, tôi bất chợt gặp Hùng, một người từng có thời chuyên bán sách vỉa hè nay chuyển qua giao sách cho một nhà sách trên mạng. Hùng than thở, sách vỉa hè dạo này khó sống lắm. Tôi gặp Hùng lần đầu trong đợt bắt sách lậu lớn tại Thủ Đức cuối tháng 4-2009.

Cũng chính từ vụ bắt sách lậu này, một trong những câu hỏi là lý do tại sao sách vỉa hè lại giảm giá đến 40%-50%, đã bị phát giác khi trong danh mục giao sách phần lớn là những người chuyên bán sách vỉa hè? Bản thân Hùng khi ấy còn là sinh viên cũng bị bắt tại trận khi đang nhận sách về bán tại khu vỉa hè dọc Thảo Cầm Viên.

NXB Trẻ đã từng cử người khảo sát các điểm bán sách vỉa hè và cuối cùng kết luận: Tất cả sách của NXB Trẻ tại các điểm bán sách vỉa hè đều là sách lậu! Đến đây, bản chất sách vỉa hè đã hoàn toàn lộ rõ, Hùng tiết lộ: “Bán giá nào tụi em cũng lời, sách đề giảm giá 20%, 30% đến 40%, nhưng trên thực tế giá tụi em lấy giảm so với giá bìa 50%, thậm chí 60%”. Đã vậy, bán sách không sợ bị ế, có thể để cả tháng, sách nào không bán được có thể trả lại đầu nậu để nhận sách khác.

Thậm chí, các cơ quan chức năng khi xử lý các vi phạm lấn chiếm lòng lề đường cũng có phần nhẹ tay với người bán sách vì có “nét văn hóa”? Hùng kết luận: Bán sách vỉa hè chỉ sợ nhất ông trời, mưa là khỏi bán!

Đủ loại sách cấm

Có nhiều ý kiến cho rằng dù gì sách vỉa hè cũng góp phần kích thích thói quen đọc. Công việc bận rộn, không có thời gian vào nhà sách, bạn đọc tình cờ thấy một chiếu sách vỉa hè, thấy một cuốn sách mới có thể sẽ tò mò mua đọc.

Thế nhưng, mọi sự lại không đơn giản như thế. Hùng tiết lộ, thích nhất là bán sách bị cấm. Đó là những cuốn sách bị thu hồi, bị cấm bán, các nhà sách đều rút khỏi quầy nhưng sách vỉa hè lại hớn hở trưng ra giữa đường phố. Hùng kể, một trong những cuốn sách như thế chính là tác phẩm “Sợi xích” của Lê Kiều Như.

Thời gian đó, các chiếu sách vỉa hè thậm chí còn trưng bảng “Ở đây có bán Sợi xích - Lê Kiều Như - Giảm giá” muốn mua bao nhiêu cũng có mặc dù NXB đã ra quyết định thu hồi và ngừng in từ khi sách vừa ra mắt. Rồi còn rất nhiều cuốn sách cấm khác cũng được bán công khai như thế. Đến nỗi có một dạo tạo thành thói quen của người mua sách TP, cần tìm sách bị cấm, bất kể cấm về cái gì, cứ ra sách vỉa hè, nếu không có sẵn hẹn lại, hôm sau là có.

Lắm chiêu, nhiều chước

Vào thời điểm sách vỉa hè lan rộng nhất đồng thời bộc lộ các mặt sai trái, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, khi ấy là ông Lê Mạnh Hà, đã kiên quyết xóa bỏ các điểm sách vỉa hè. Tuy nhiên, khi ra quân thí điểm tại khu vực quận 1 mới thấy mọi việc không đơn giản. Sách vỉa hè cũng giống như những loại hình buôn bán vỉa hè khác, rất cơ động, quét nơi này họ lại chạy qua nơi khác.

Thế nhưng, dù có lúc thoát được sự truy quét của cơ quan chức năng, nhưng sách vỉa hè lại không thể thoát khỏi sự đào thải của bạn đọc. Không phải ngẫu nhiên Hùng than thở, giảm giá bây giờ không còn là thế mạnh của sách vỉa hè, đã xuất hiện nhiều nhà sách cũng có mức giảm 20%-30% và toàn sách thật, lượng sách đa dạng hơn. Sách có mức giảm đến 40%-50% đều là những sách cũ, có sức mua thấp. Những loại sách trong năm được các NXB, nhà sách lớn có đợt bán giảm giá thu hồi vốn, mức giảm có thể lên đến 70%-80%.

Không những thế, thời gian gần đây người ta còn phát hiện ra một thủ thuật mới của giới làm sách lậu, in giá bán trên trời. Sách có giá 70.000 đồng thì in thành 100.000 đồng và dù có giảm giá thì sách lậu còn có khi cao giá hơn cả sách thật bán tại các nhà sách.

Nhìn nhận một cách khách quan, việc tồn tại các chiếu sách vỉa hè đã cho thấy một nhu cầu mua sách ngoài nhà sách của người dân. Thế nhưng, sách vỉa hè rõ ràng không phải là một chọn lựa tốt…

* Thời gian qua, TP xuất hiện hình thức “sách công viên”, các bạn trẻ mang sách đến công viên để trao đổi, mua bán với nhau. Có ý kiến cho rằng có thể thí điểm, đưa các chiếu sách vỉa hè vào công viên, do không tốn nhiều chi phí nên giá sách có thể giảm, cơ quan chức năng cũng dễ theo dõi quản lý nguồn gốc sách. Nên chăng, vì như thế vừa có thể tạo nên một sự đa dạng trong việc tiếp cận sách vừa góp phần chấn chỉnh, từng bước xóa bỏ tình trạng sách vỉa hè đang là điểm không lành mạnh của văn hóa TP.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục