Mặt trận mới giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo tạp chí The Diplomat, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang cho thấy nhiều tiềm năng mang tính cách mạng trong các lĩnh vực như: giao thông, vận tải, năng lượng… Với việc công bố các kế hoạch đầu tư lớn cho nghiên cứu, phát triển thời gian gần đây, AI được xem là mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ tới.
Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Trung Quốc, quốc gia “sôi động nhất về AI”

Kể từ khi Cơ quan Dự án Nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu hình thành làn sóng AI đầu tiên vào những năm 1960, Mỹ đã dẫn đầu thế giới trong áp dụng công nghệ này. Thế nhưng, theo một nhận định của tạp chí Newsweek, nền kinh tế của Trung Quốc hiện không chỉ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong các nước lớn, đồng thời còn có khả năng dẫn đầu trong việc ứng dụng AI vào sản xuất, y tế và giao thông, thậm chí là đi trước phương Tây trong các công nghệ mới quan trọng.

Đại học Stanford (Mỹ) mới đây đã xếp Trung Quốc vào nhóm 2 quốc gia hàng đầu thế giới “sôi động nhất về AI”. Theo đó, 1/3 các bài báo và trích dẫn học thuật trên thế giới về chủ đề AI đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã huy động được 1/5 tổng số vốn tư nhân toàn cầu dành cho phát triển lĩnh vực này. Công ty tư vấn quản lý McKinsey (Mỹ) dự báo, AI có thể giúp bổ sung khoảng 600 tỷ USD cho nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2030, trong đó có 335 tỷ USD đến từ lĩnh vực xe tự hành.

Trung Quốc đang đầu tư mạnh để phát triển mạng lưới giao thông đường bộ thông minh. Việc triển khai hệ thống quản lý giao thông ở TP Tây An, tỉnh Thiểm Tây - được hỗ trợ bởi AI của Công ty công nghệ Hikvision chuyên về camera giám sát - đã cho thấy hiệu quả khi lưu lượng giao thông tăng 10%, trong khi thời gian cho hành trình giảm 12%. Hệ thống City Brain của Alibaba được triển khai tại 23 thành phố ở Trung Quốc, đã giúp thủ phủ của tỉnh Chiết Giang là TP Hàng Châu, từ top 5 những thành phố ùn tắc nhất của Trung Quốc “tụt hạng” xuống thứ 57. Liên quan đến giao thông đường sắt, tuyến đường sắt cao tốc nối 3 thành phố của Chiết Giang là Hàng Châu - Thiệu Hưng - Thai Châu được quản lý bằng AI cho phép tuyến đường đạt hiệu suất tối ưu, ít xảy ra tai nạn hơn và tiết kiệm điện lên đến 30%.

Công nghệ tiềm năng cho lĩnh vực năng lượng

Trong khi đó, Mỹ đang cho thấy những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng AI trong lĩnh vực năng lượng. Bộ Năng lượng Mỹ gần đây đã cho thành lập Hội đồng AI nâng cao, có nhiệm vụ điều phối các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Khu vực tư nhân cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào AI, mà điển hình là Công ty AutoGrid, nhà cung cấp nhà máy điện ảo (VPP - một mạng lưới các nguồn năng lượng phân tán dựa trên đám mây, chẳng hạn như nhà ở và các tòa nhà thương mại với hệ thống pin lưu trữ và năng lượng mặt trời. Tất cả cùng hoạt động như một nhà máy điện duy nhất). AutoGrid đã sử dụng công nghệ AI để tạo ra một VPP dân dụng có công suất 400kWh ở Nam California. Chịu trách nhiệm quản lý, lưu trữ và phân phối khoảng 600MW điện ở 15 quốc gia, AutoGrid hiện đang sử dụng kinh nghiệm của mình để quản lý mạng lưới điện ở Mỹ bằng AI.

Về giao thông, Brightline - đơn vị vận hành hệ thống đường sắt ở Florida - mới đây cũng đã cho triển khai hệ thống quản lý bằng AI để phát hiện và ngăn chặn sự xâm nhập vào hệ thống vận hành. Dù quy mô còn hạn chế, bước khởi động của Brightline được kỳ vọng sẽ khơi dậy sự quan tâm của các công ty tư nhân cũng như các cơ quan giám sát an toàn đối với những ứng dụng tiềm năng của AI trong cuộc sống thường nhật.

Cạnh tranh sức mạnh

Theo The Diplomat, những bước tiến mạnh mẽ trong quản lý năng lượng cho thấy các nhà lãnh đạo của Mỹ đã hiểu rõ vai trò của AI trong đảm bảo an ninh lưới điện trước sự gia tăng về nhu cầu ứng dụng internet vạn vật (IoT) và ô tô điện, cũng như những thách thức liên quan đến năng lượng tái tạo. Các nhà vận hành lưới điện sử dụng AI để giải quyết các vấn đề về phân phối và sự ổn định, trên cơ sở nguồn cung cấp điện được đảm bảo để chuyển đổi sang mô hình kinh tế bền vững. Trung Quốc đã chứng minh điều này khi mà lưới điện do AI điều khiển có thể khôi phục chỉ 3 giây sau khi mất điện.

Bằng cách ưu tiên phát triển AI và đổi mới tư duy trong kế hoạch đầu tư của mình, Bắc Kinh đã cho thấy rõ ý định đặt nền móng vững chắc cho thành công trong tương lai sẽ xung đột với lợi ích toàn cầu của Mỹ. The Diplomat cho rằng, nếu Washington nuôi dưỡng bất kỳ tham vọng nghiêm túc nào về việc vượt xa đối thủ kinh tế lâu năm của mình, Mỹ chắc chắn phải đầu tư nhiều hơn nữa để đổi mới, vượt lên chứ không phải để bắt kịp Trung Quốc. Vì vậy, AI sẽ chính là mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh sức mạnh giữa 2 nền kinh tế lớn của thế giới.

Giới quan sát nhận định, cuộc đua thống trị AI có thể là cuộc cạnh tranh để ứng dụng công nghệ này vào các mục đích quân sự. Đây cũng là một lĩnh vực tiêu biểu trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, giống như cách vũ khí hạt nhân từng định nghĩa cuộc chiến tranh lạnh vào thế kỷ trước. Theo Army Technology, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể là một trong những lực lượng quân sự dẫn đầu trong việc phát triển AI theo khía cạnh đầu tư. Trong một báo cáo công bố vào tháng 10-2021, Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi tại Đại học Georgetown (Mỹ) ước tính rằng, PLA đã chi từ 1,6 - 2,7 tỷ USD cho nghiên cứu và đầu tư vào AI mỗi năm, ngang hàng với quân đội Mỹ. Trong khi đó, hồi tháng 7-2021, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố, nước này sẽ dành gần 1,5 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển AI để chiến thắng trong cuộc đua với Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục