Một sáng chủ nhật mùa đông 1967, lớp E1 (biệt danh năm thứ nhất khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1966-1970 sơ tán tại Đại Từ, Thái Nguyên) được đón nhà văn Nguyên Hồng về thăm. Cả lớp theo hiệu lệnh kẻng báo giờ tập trung, ai nấy đều vào lớp ngồi chỉnh tề. Và ai cũng hướng mắt ra phía cửa, hy vọng sẽ sớm được nhìn thấy ông từ xa.
“Kia rồi! Nhà văn đã đến kia rồi”. Cả lớp nhao nhao đứng dậy đổ dồn mắt về phía bờ suối. Thế là chẳng ai bảo ai. Những tràng pháo tay như sấm dậy nối tiếp nhau vang lên mỗi lúc một dồn dập và chỉ kết thúc khi ông đã vào hẳn trong lớp, ngồi vào hàng ghế đầu.
Thật khó mà tưởng tượng về ông, nhất là khi cách ăn mặc của ông lại sơ sài bụi bặm đến vậy. Khuôn mặt ông khắc khổ già nua, dù lúc ấy ông chưa đến 50 tuổi. Mái tóc ông lưa thưa muối tiêu. Ông mặc quần nâu, áo gụ đã cũ xạc, may theo kiểu các ông già vùng quê, khoác ngoài chiếc áo bông xanh bợt đã sờn gấu, cổ áo đen bóng mồ hôi. Qua những lời tâm sự chân mộc cuốn hút, lời nào như cũng bừng bừng lửa, bừng bừng tâm huyết, chúng tôi nhận ra, ông không hề để tâm đến bề ngoài, cũng không hề có thời gian để chăm chút cho mình. Với ông, thời gian thực sự là thứ vàng ròng vô giá.
Ông nói mình viết chậm, chỉn chu, khó nhọc lắm. Viết xong trang nào, chương nào là đọc lại ngay. Có khi đọc to lên để nghe cho rõ cả cái âm thanh, hồn vía của từng dòng, từng chữ. Ông nghiêm túc đặt ra cho mình một kỷ luật thép: Viết cái gì cũng phải có trước đề cương, có bố cục đến từng chi tiết. Để minh họa điều đó, ông mở cặp lôi ra một tập giấy lớn khá dày.
Tưởng đó là bản thảo, nào ngờ, khi bốn sinh viên được ông nhờ lên bảng mở tập giấy ấy ra, mỗi người cầm mỗi góc căng rộng lên bảng mọi người mới vỡ lẽ: đó là bản đề cương từng chương của cuốn tiểu thuyết “Thời kỳ đen tối” mà ông đang viết dở dang được chuẩn bị cực kỳ công phu trên một mặt các trang giấy thếp khổ to và được dán lại thành một tờ lớn, rộng đến cả gần chục mét vuông. Khi đến với chúng tôi, ông gấp lại khá gọn bỏ vào cặp, mang theo. Ở nhà, ông căng lên tường để theo dõi và nuôi ý tưởng sáng tạo sao cho chặt chẽ bài bản, không để chủ nghĩa tự nhiên, ngẫu hứng làm ma đưa lối quỷ dẫn đường.
Viết văn đã là nghiệp của ông từ tuổi 20. Vì vậy phải dấn thân, phải hết mình đến tận cùng những khổ đau, giằng xé mất còn. Phải đốt cháy mình lên mỗi khi cầm bút.
Ông bộc bạch: “Phải tự rèn, tự luyện cho mình mỗi ngày. Không bao giờ cho phép buông thả, bằng lòng với những gì đã có. Nhà văn thường hay mắc bệnh kiêu, bệnh chủ quan lắm. Ai cũng có mỏ vàng của riêng mình. Mỏ vàng ấy là vốn sống trải nghiệm mà cây đời tươi xanh ban tặng riêng cho ta mỗi ngày. Mỏ vàng ấy là kho tri thức vô giá mà ta học được ở sách báo, ở bạn bè, ở mỗi nẻo làng quê… Và mỏ vàng tri thức bài bản nhất mà các bạn may mắn được khai thác, được sở hữu làm giàu cho mình mỗi ngày hơn hẳn thế hệ chúng tôi ngày xưa là Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp mà các bạn đang hạnh phúc được học, được thụ giáo bởi những người thầy tài năng tâm huyết”.
- Thưa nhà văn, vậy làm thế nào để khai thác được mỏ vàng ấy, đâu đó vọng câu hỏi. Tay cầm chén trà ông hăm hở tiếp luôn bằng những câu chắc nịch tuôn chảy ào ạt như không có điểm dừng: “Muốn sử dụng, khai thác hiệu quả những mỏ vàng linh thiêng, nhiệm màu ấy ư? Vâng, xin các bạn nhớ giùm tôi là luôn phải có máu thịt, máu thịt của con người, máu thịt của tâm hồn mình. Xung trận rồi, viết rồi khắc sẽ tự tìm ra cách khai thác mỏ vàng ấy. Tôi kêu gọi các bạn cứ mạnh dạn dấn thân đi, cầm bút đi. Nghề viết công phu lắm, khổ đau, dằn vặt, thậm chí cả mất mát, hy sinh cũng nhiều lắm. Song cứ viết đi, ta sẽ thấy mê nó ngay, say nó ngay. Học Văn khoa mà không tập viết văn là hoài lắm, phí lắm. Tôi ngày xưa đâu biết chữ văn là gì, vậy mà cũng viết được Bỉ vỏ. Song các bạn nên nhớ văn hóa chỉ là khóa, lao động và lao động hết mình, lao động vô tư, trong sáng luôn vì cái chân cái thiện, cái cao cả mới là chìa đấy”.
Cả lớp chẳng ai bảo ai cùng lúc òa vỡ tràng pháo tay như thác đổ mùa lũ cuốn. Ông cười vui, thong thả đặt chén trà xuống mặt bàn, hai bàn tay đan nắm vào nhau, đứng dậy huơ huơ về phía chúng tôi như tỏ ý bắt tay, tri ân sự tâm đắc, cảm kích vô bờ mà chúng tôi vừa dành cho ông. Rồi ông đưa tay vỗ vỗ vào ngực lại hăm hở nói tiếp: “Nhưng các bạn nhớ là phải tạo cho mình cái riêng, cái cá biệt, cái khác biệt nhé! Chớ có bắt chước nhau, giống nhau là tự xóa mờ mình, đánh mất mình, tự tiêu diệt mình đấy. Nếu như đã có thanh long đao của Quan Công, bát xà mâu của Trương Phi thì bên cạnh phải có thêm đường thương của Triệu Tử Long, cây cung của Hoàng Trung.
Lao động nghệ thuật là sáng tạo. Sáng tạo không ngừng. Sáng tạo trong hư cấu tưởng tượng. Sáng tạo trong cách thể hiện từng lời thoại, từng chi tiết miêu tả... Không lặp lại ai, không lặp lại chính mình; luôn làm người đọc phải ngạc nhiên, phải thích thú, phải say mê vỡ òa những khám phá mới, nhận thức mới trước cây đời, núi đời, biển đời tưởng như đã cũ, đã nhàm mới đích thực là sáng tạo chân chính, là danh dự tài năng của người cầm bút. Tôi mong và chúc các bạn luôn tự tin, luôn mạnh dạn viết và viết. Hy vọng trong số các bạn sẽ có nhiều cây bút tài năng luôn biết khẳng định mình như thế và hơn thế”
NGUYỄN NGỌC KÝ