Bảo tồn và phát triển - Câu chuyện của TPHCM

Mâu thuẫn gay gắt?

Tại Hội thảo Phát triển đô thị bền vững do 3 thành phố: Hà Nội, Huế, TPHCM tổ chức vào trung tuần tháng 5-2010 vừa qua, ông Nguyễn Văn Phúc, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, đã có một bài phát biểu khá ấn tượng về công tác bảo tồn trên địa bàn thành phố Huế.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, khai thác và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể di tích cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để làm công tác bảo tồn, làm cho di tích sống động và hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, không là cản ngại cho quá trình phát triển mà còn có tác dụng giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, đồng thời còn góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn thu để bảo tồn di tích. Cũng tương tự như Huế, lượng du khách đến phố cổ Hội An để thăm các khu phố cổ luôn tăng mạnh trong thời gian gần đây và ngành kinh tế không khói này đang “nuôi sống” một bộ phận không nhỏ người dân Hội An.

TPHCM không có nhiều di sản như Huế và Hội An song TPHCM cũng có nhiều công trình kiến trúc có giá trị như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát TPHCM, chùa Vĩnh Nghiêm… Nghiên cứu của Tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Quang Ninh tập hợp được tới 108 công trình kiến trúc có giá trị tại TPHCM.

Thế nhưng, tiếc rằng ở nhiều chỗ, nhiều nơi, ở một vài con người, vài tổ chức… đã và đang đối xử không đúng với nhiều công trình kiến trúc có giá trị ở TPHCM. Tiêu biểu là một biệt thự trên đường Tú Xương, khu vực được đề nghị làm điểm nhấn về kiến trúc biệt thự cho toàn thành phố trong nghiên cứu của Tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Quang Ninh đã bị… biến thành trường học quốc tế. Ngoài những tổn thất về kiến trúc, sự việc này còn để lại nhiều hậu quả tai hại khác về môi trường cho thành phố như góp phần làm gia tăng nạn kẹt xe ở khu vực Tú Xương.

Hiện nay, cứ vào giờ cao điểm, xe hơi của các phụ huynh đưa đón con đi học tại trường quốc tế này lại gây ra ùn ứ giao thông - một điều mà hầu như chưa bao giờ diễn ra ở khu vực các biệt thự ở đường Tú Xương. Nhiều biệt thự trên đường Lê Quý Đôn, Phạm Ngọc Thạch… bị biến thành trường học, nhà hàng… cũng đã gây ra những hậu quả tương tự.

Trước kia các biệt thự chỉ có khoảng hơn một chục người sinh sống thì nay là trường học, nhà hàng, số người ra, vào đã tăng lên hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người… Hệ thống đường không đủ để đáp ứng nên kẹt xe diễn ra là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể các hậu quả về môi trường vì lượng chất thải cũng đã tăng lên theo mức tăng của dân số.

Vậy thì TPHCM có thể học gì ở các đô thị khác trong công tác bảo tồn? Đây là một câu hỏi khó bởi TPHCM là trung tâm kinh tế năng động nhất nước. Yêu cầu về phát triển mới rất lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, câu chuyện ở Huế và Hội An đã chứng minh một điều rằng, nếu có giải pháp hợp lý thì bảo tồn và phát triển không phải luôn mâu thuẫn với nhau.

An Nhiên

Tin cùng chuyên mục